Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại UBND xã, hàng trăm người dân, cả già lẫn trẻ, kéo nhau lên UBND xã Quảng Phúc phản đối việc sáp nhập trường. Không những vậy, người dân còn mang cả loa cầm tay đi theo để sử dụng. Nhiều người cho rằng, việc chuyển Trường THCS Quảng Phúc về sáp nhập với Trường THCS Quảng Vọng sẽ khiến cho con em mình phải đi xa (xa nhất là 4km), vất vả, sợ mất an toàn giao thông.
Không chỉ người lớn, mà người dân còn kéo theo cả trẻ em đi phản đối sáp nhập trường. Ảnh: Hồng Đức
Ông Mai Đình Thủy - Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc - cho biết: Thực hiện Nghị quyết 122/2015/NQ-HĐND, ngày 17.7.2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định 5308/2015/QĐ-UBND, ngày 16.12.2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có nhiều cấp học hiện có ở tỉnh đến năm 2020, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành kế hoạch 303/KH-UBND, ngày 25.4.2016, về việc sáp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện đến năm 2018. Hiện nay, Trường THCS Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh. Do đó, huyện có kế hoạch sáp nhập trường về với Trường THCS Quảng Vọng để thành lập trường mới mang tên Trường THCS Phúc Vọng. Trước khi thực hiện việc sáp nhập trường, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Theo ông Thủy: Tuy nhiên, người dân ở xã Quảng Phúc cho rằng việc sáp nhập này sẽ khiến học sinh đi lại vất vả. Mặc dù huyện và xã đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng nhiều người dân vẫn chưa thông hiểu. Chính vì vậy, mấy ngày nay hàng trăm người dân kéo nhau lên trụ sở xã để phản đối, gây mật trật tự ở địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương - cho biết: "Sự việc xảy ra ở Quảng Phúc mấy ngày qua là do người dân lo sợ việc con, em của họ phải đi học xa nhà. Bên cạnh đó, bà con cho rằng khi học sinh qua xã Quảng Vọng để học, lại phải đóng góp tiền để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã giải thích rất nhiều lần cho phụ huynh rằng: Học sinh của Quảng Phúc khi chuyển về Trường THCS Quảng Vọng sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản xã hội hóa nào trong năm học Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư vốn để làm đường giao thông nối từ thôn Văn Bình (xã Quảng Phúc) sang xã Quảng Vọng để giúp các em đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để mua tặng 19 chiếc xe đạp mới cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có phương tiện đến trường".
Ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Quảng Xương - cho hay: Sự việc xảy ra ở xã Quảng Phúc là đáng tiếc. Lý do chính là một số người dân cố tình không hiểu chính sách của Nhà nước nên đã xúi giục, lôi kéo người khác lên trụ sở xã, gây mất trật tự và cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.
“Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND tỉnh, để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, huyện vẫn sẽ phân công cán bộ đến từng hộ gia đình để giải thích, động viên, tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện theo chính sách đúng đắn này” - ông Chính nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.