Thanh Hóa: Nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo cụ thể, hiệu quả
Thanh Hóa: Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả giảm nghèo
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 13/04/2023 18:52 PM (GMT+7)
Một trong những hướng đi để giảm nghèo bền vững chính là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thấu hiểu điều này, nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo.
Bản Lửa (Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa) có 144 nhân khẩu, nhưng có đến 50% số hộ là người nghèo. Đây là bản đặc biệt khó khăn, người dân ít nương rẫy, bà con sống sát vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên không có nguồn sinh kế.
Để giúp người dân giảm nghèo, địa phương đã xây dựng mô hình kinh tế nuôi ong lấy mật và nuôi dúi cho 30 hộ dân để giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo. Kết quả, đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi) là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình. Sau 2 năm được hỗ trợ vay vốn để nuôi ong lấy mật, kết hợp nuôi dúi nay mô hình kinh tế của gia đình anh đã phát triển ổn định, cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm. Nhờ vậy mà gia đình anh Nam đã thoát hộ nghèo. Anh dự tính vay thêm vốn từ ngân hàng chính sách để mở rộng đàn ong, nuôi thêm dúi.
Tương tự, gia đình chị Phùng Thị Quý, 50 tuổi ở xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình "mô hình giảm nghèo" tại địa phương.
Chị Quý chia sẻ: “5 năm về trước (năm 2017) việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như rất xa vời, bởi đất sản xuất ít, ngoài làm nông hai vợ chồng không có việc làm thêm, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thế rồi được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình tôi được vay vốn phát triển chăn nuôi, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình".
Theo kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022-2025, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa còn hơn 66.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,65%.
Đến nay, ngoài nuôi đàn trâu, bò, gia đình chị còn nuôi thêm đàn lợn, gà, vịt. Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí)... Đến năm 2020, gia đình tôi đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn".
Xây dựng được hàng trăm mô hình giảm nghèo hiệu quả
Số liệu thống kê của Sở LĐTBXH cho thấy giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 102 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 66 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình trên 35 tỷ đồng...
Kết quả, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo 30a, 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, với hàng nghìn hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia...
Ông Trần Văn Hùng - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết thành công lớn nhất của các dự án giảm nghèo là thực hiện việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn cho người nghèo. Qua đó, góp phần thay đổi ý thức của hộ nghèo, giúp họ tự lực vươn lên làm kinh tế.
"Bên cạnh đó, dự án còn thành công ở việc luân chuyển nguồn vốn (dưới dạng tiền hoặc hiện vật) để tiếp tục nhân rộng hoặc triển khai mô hình giảm nghèo ở các địa bàn khác qua đó giúp nhiều người nghèo được tiếp cận với các mô hình", ông Hùng nói.
Ngoài ra, báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cũng cho thấy, các mô hình cũng xây dựng được cơ chế quy định hỗ trợ người dân mua cây, con giống khác khi gặp những rủi ro bất ngờ do lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Hoặc có biện pháp xử lý đối với hộ vi phạm quy chế của dự án. Hộ trong danh sách luân chuyển vốn trong chu kỳ tiếp theo tham gia với vai trò giám sát hộ đang thực hiện dự án... Việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ.
Ngoài ra, để phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh cũng đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Theo đó, dự án đã giúp gần 8.000 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, từ đó ứng dụng để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 9 nghìn người, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 6 nghìn người, góp phần giúp cho 2.005 hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ vươn lên là hộ khá, giả, quay lại hỗ trợ nhiều hộ nghèo khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.