Nuôi ếch dày đặc dưới ao, tung thức ăn ếch nhảy rào rào, ông nông dân Thanh Hóa than khổ vì sao?
Thanh Hóa: Nuôi con nhảy rào rào khi được tung thức ăn, người xa kẻ gần đều muốn kéo đến xem
Hoài Thu
Thứ năm, ngày 12/08/2021 05:42 AM (GMT+7)
Bằng sự sáng tạo của mình ông Hoàng Như Đốc ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) đã kết hợp thành công mô hình dưới nuôi cá, trên nuôi ếch thương phẩm. Mô hình nuôi thủy sản lạ mắt "2 trong 1" của ông Đốc khiến nhiều người kéo đến xem.
Clip: Mô hình nuôi ếch của ông Hoàng Như Đốc (SN 1954) phường Quảng Phú, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Nông dân U60 vẫn ham làm ăn lớn
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ếch trong lồng lưới của gia đình, ông Hoàng Như Đốc (SN 1954) phường Quảng Phú, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông học nghề nuôi ếch thương phẩm từ năm 2013.
Khi đó gia đình ông Đốc tận dụng lại diện tích mặt nước của các ao nuôi cá. Ông đầu tư nuôi ếch dưới ao cá theo hình thức cắm cọc bằng tre luồng. Tuy nhiên, cách làm này vừa vất vả mà lời lãi chẳng đáng là bao.
"Mỗi khi trời mưa lớn, nước ao dâng cao quá đầu người, tôi phải lội xuống nâng các lồng ếch lên để tránh nước dâng cao làm ếch nhảy đi mất. Chưa kể là tre luồng nhanh mục nát, cứ 1 đến 2 năm là gia đình tôi lại phải thay toàn bộ khung nên rất tốn kém" - ông Đốc chia sẻ.
Trong những năm đó, ông Đốc vẫn miệt mài nghiên cứu và đi thăm quan thêm các mô hình nuôi ếch từ Bắc vào Nam để học nghề.
Bằng kinh nghiệm nuôi ếch tích lũy được cùng với sự sáng tạo của mình qua các mô hình đã học hỏi được, ông Đốc đã nảy ra ý tưởng làm lồng bè căng lưới thả nổi trên mặt nước để nuôi ếch.
Cách làm lồng nuôi ếch trên mặt ao như vậy có thể tự động nâng lên và hạ xuống tuỳ theo mực nước trong.
Sau khi bàn bạc với gia đình, ông quyết định đầu tư gần 400 triệu đồng để làm lồng bè nuôi ếch.
Chia sẻ về mô hình của mình ông nói: "Nuôi theo hình thức lồng nổi mất chi phí đầu tư cao nhưng bù lại có nhiều ưu điểm như giảm công lao động, khung lồng bền hơn. Nuôi ếch trong lồng bè cũng dễ vệ sinh, hệ thống thùng phi nổi cố định nên nước lên tới đâu, chuồng ếch sẽ nổi lên tới đó giúp cho người nuôi cơ động hơn rất nhiều".
Theo ông Đốc, ếch được nuôi từ tháng 3 âm lịch. Mỗi năm gia đình ông nuôi 3 - 4 lứa ếch thịt, mỗi lứa ếch nuôi khoảng 70 ngày là có thể xuất chuồng. Hiện trang trại nuôi ếch của ông có khoảng 40 lồng ếch với mật độ khoảng 1.000 con/ lồng.
Từ khi cải tiến hệ thống lồng nuôi ếch, mỗi năm gia đình ông Đốc xuất bán cho các nhà hàng, đại lý thu mua ếch thịt tại Thanh Hóa và Hà Nội trên 30 tấn ếch thịt.
Ông Đốc bán ếch thịt với giá dao động từ 40.000- 47.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 300 triệu đồng/ năm.
Ngoài ra, cũng trong cùng diện tích ao đó, ông Đốc còn kiếm thêm hơn 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi các loại cá.
Lợi ích kép từ việc nuôi "trên ếch, dưới cá"
Theo ông Đốc, nuôi ếch theo hình thức nuôi lồng nổi, mặc dù chi phí đầu tư cao nhưng bù lại có nhiều ưu điểm như: Thời gian thay khung lồng lâu, chỉ thay lưới một năm 1 lần, dễ nuôi, giảm công lao động, dễ vệ sinh.
Đặc biệt do có hệ thống phao nổi cố định nên lồng bè tự động nâng lên, hạ xuống theo mực nước, từ đó tạo điều kiện cho ếch phát triển tốt nhất, đồng thời tiện dụng về khâu quản lý, chăm sóc, thu hoạch ếch.
Đặc biệt, khi ông kết hợp trên nuôi ếch, dưới thả cá trắm, cá rô đầu vuông, cá trê đã tận dụng thức ăn dư thừa, chất thải từ ếch để nuôi cá. Việc tận dụng trên giảm được 50% lượng thức ăn cho cá lại đảm bảo ổn định nguồn nước, môi trường trong ao nuôi.
Ngoài ra để phòng trừ dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho ếch, ông Đốc đã sử dụng tỏi ta xay thành nước, phối trộn tỷ lệ 5 kg bột với 5 lạng tỏi, sau 15 phút cho ếch ăn. Không chỉ phòng được các bệnh về đường tiêu hóa như chướng hơi đầy bụng, tiêu chảy, mà còn tăng sức đề kháng cho ếch.
Về kỹ thuật nuôi ếch, ông cho biết ếch thương phẩm nuôi theo hình thức lồng lưới nổi, nếu chú ý đến vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng đúng cách và phòng bệnh tốt cho ếch thì sẽ thành công.
Cũng theo ông Đốc, nuôi ếch tuy lợi nhuận hấp dẫn nhưng rủi ro cũng cao vì ếch rất dễ sinh bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc môi trường nước không đảm bảo.
Ông lưu ý, khi cho ếch ăn cần phải rải đều thức ăn với lượng vừa đủ để tránh việc chúng tranh nhau làm trầy xước da hoặc thức ăn dư làm bẩn nguồn nước gây bệnh, dễ dẫn đến chết hàng loạt.
Đặc biệt, cần phải thường xuyên thay nước cho ếch. Trong mùa nắng nóng, ông duy trì thay nước mỗi ngày một lần.
Ngoài việc làm sạch nước còn giúp điều hòa nhiệt độ nước. Nếu trời mưa cần phải thay nước ngay để tránh lượng axit trong nước tăng cao làm cho ếch bị nổ mắt.
Nuôi ếch không phải năm nào cũng có lời, như năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lứa ếch ông nuôi từ đầu năm đến hiện tại vẫn chưa thể xuất bán do thị trường tiêu thụ "đóng băng".
Đứng trước nguy cơ thua lỗ, ông chỉ cho ếch ăn cầm chừng 1 - 2 bữa/ngày để giảm bớt chi phí thức ăn và tìm thị trường bán lẻ cho ếch.
Ông Hoàng Như Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, TP. Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá) cho biết, ông Đốc là một nông dân rất sáng tạo của địa phương trong việc tạo ra mô hình nuôi cá kết hợp làm lồng bè nuôi ếch.
Việc thay đổi phương thức nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi ếch bằng lồng lưới kết hợp nuôi cá dưới ao như gia đình ông Đốc đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Đây cũng là mô hình kinh tế điển hình của phường, được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.