Tại thị trường Trung Quốc, thanh long Bình Thuận có "đấu" được thanh long Campuchia?
Thanh long Campuchia xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thanh long Bình Thuận có giảm giá, ứ hàng?
Chủ nhật, ngày 20/06/2021 19:07 PM (GMT+7)
Từ câu chuyện giá xoài keo của Campuchia có giá rẻ đã cạnh tranh trực tiếp với xoài cát, xoài Ðài Loan ngon nhưng có giá cao hơn của Việt Nam ở hiện tại là một ví dụ mang tính dự báo sắp tới cho trái thanh long...
Những ngày qua, báo chí dẫn nguồn tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sau thỏa thuận cho phép xuất khẩu trái xoài sang Trung Quốc có kết quả hồi tháng 5 năm nay, phía Campuchia tiếp tục chú ý đến nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long.
Cụ thể, Chính phủ Campuchia đã có những động thái để được phép xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thanh long vào thị trường Trung Quốc.
Vì vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, thanh long Campuchia có thể sớm được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Trong tháng 5/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Campuchia đã khởi động một dự án trồng thanh long rộng 1.000 ha cho 1 triệu cây, đồng thời thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu xuất khẩu chính là thị trường Trung Quốc và... Việt Nam.
Theo đó, khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thanh long Campuchia sẽ cạnh tranh trực tiếp với thanh long Việt Nam, vốn hiện đang có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.
Có nghĩa thanh long Việt Nam thêm đối thủ cạnh tranh rất gần. Điều đáng nói, từ câu chuyện giá xoài keo của Campuchia có giá rẻ đã cạnh tranh trực tiếp với xoài cát, xoài Đài Loan ngon nhưng có giá cao hơn của Việt Nam ở hiện tại là một ví dụ mang tính dự báo sắp tới cho thanh long Việt Nam.
Nói thêm rằng, phần lớn trong đó là thanh long trồng tại Bình Thuận.
Những người quan tâm đến cây thanh long Bình Thuận nhận định rằng thời gian trước mắt, trái thanh long Campuchia chưa thể đáng lo, vì diện tích vùng trồng ở nước này chưa nhiều.
Nhưng 2-3 năm nữa, khi những diện tích mới trồng đến kỳ thu hoạch thì lúc đó sẽ chứng kiến tình cảnh thị trường như trái xoài của hiện tại. Do đó, ngay bây giờ, ngành chức năng và các huyện trong tỉnh trồng nhiều thanh long cần có bước dịch chuyển phù hợp để tránh bị động.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, 2 năm qua, với những biến động về giá cả, sâu bệnh… khiến cây thanh long không còn đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn như trước.
Vì vậy, người dân ở huyện đã có những dịch chuyển như chỉ trồng mới thanh long ruột đỏ, vì giống lai nên chi phí đầu tư thấp, thể hiện sử dụng ít phân thuốc, ngay cả chong đèn cho trái vụ cũng ít thời gian hơn thanh long ruột trắng.
Bên cạnh, người dân cũng đã chú ý trồng các loại cây trồng khác như dưa lưới, nấm, cây dược liệu, nho, đinh lăng… theo đúng định hướng tái cơ cấu trong trồng trọt của huyện là phá thế độc canh cây thanh long.
Hiện toàn huyện có khoảng 14.000 ha, theo kế hoạch đến năm 2025 là giữ ở mức 15.000 ha thanh long, đồng thời khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trên cây thanh long, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với phòng trừ sâu bệnh hại...
Trong khi đó, tại huyện Bắc Bình, nơi người dân mở rộng diện tích nhanh trong mấy năm gần đây, vì lợi thế có thủy lợi cộng nắng lớn, thanh long ít bị nấm, khi các vùng chuyên canh thanh long khác bước vào giai đoạn già cỗi thì giờ chính quyền ở đây cũng khuyến cáo nông dân nên dừng đầu tư thanh long.
Song song đó, nâng giá trị trái thanh long thông qua đạt các chuẩn VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc. Vì trên địa bàn có một số trang trại đã tiến đến các chuẩn trên để bán được sản phẩm có giá cao hơn và cũng hy vọng mở rộng ra các thị trường khác, ngoài Trung Quốc.
Đó cũng là ước muốn của nhiều người trồng thanh long hiện nay trước thông tin trên. Nhiều người cho rằng, nếu có thêm “đối thủ” là thanh long Campuchia chia sẻ thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam cũng cần phải tính thêm những thị trường tiêu thụ mới để tránh giá giảm, ùn ứ hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.