Ngày 29/12, cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan mặt hàng thanh long Việt Nam cho đến ngày 26/1 vì phát hiện virus SARS-CoV-2. Chỉ một ngày sau khi nhận được tin, khoảng 500 xe chở thanh long ở Lạng Sơn đã quay đầu về kêu gọi tiêu thụ thị trường nội địa.
Ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ... nhiều người đang kêu gọi "giải cứu" thanh long là hàng tắc biên quay đầu vì Trung Quốc ngưng thu mua.
Theo đó, thanh long giải cứu được bán nhiều trên các trang mạng xã hội và tại các điểm bán hàng lưu động trên đường phố. Tại Hà Nội, một số điểm bán lưu động ở các phố: dọc trục đường Thanh Hà Cienco5; đường Phạm Hùng, đường Trần Thái Tông, Phố Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội)…
Thanh long được giải cứu khắp các chợ mạng và tại nhiều điểm giải cứu lưu động trên đường phố Hà Nội.
Những thùng container nối tiếp nhau quay đầu. Lượng nông sản này cần phải tiêu thụ ngay vì không thể bảo quản trong thời gian dài.
Hiện tại mức giá trung bình của thanh long giải cứu dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/thùng trong lượng 7 – 19kg, tương đương chỉ từ 4.000 – 17.000 đồng/kg. Trong khi thực tế giá thị trường của thanh long dao động khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Tại các điểm bán lưu động, thanh long thường được nhập cả container, mỗi “công” chứa gần 2.000 thùng thanh long, số hàng này đều được các thương lái chuyển từ Lạng Sơn về. Trong khi đó, trên các chợ mạng các tiểu thương thường chỉ nhập từ 40 – 50 thùng để bán trong ngày.
Do giá thành tương đối rẻ, thanh long giải cứu không bán lẻ mà chỉ bán theo thùng từ 7 – 20kg/thùng.
Chị Trần Hạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) một tiểu thương đang hỗ trợ thương lái giải cứu thanh long cho biết: Thực tế nếu không do tắc biên, người tiêu dùng sẽ không bao giờ mua được thanh long chất lượng đã qua chọn lọc với mức giá rẻ như cho thế này. Ngoài thanh long, thời điểm hiện tại các loại trái cây xuất sang Trung Quốc như mít Thái, dưa hấu, xoài… đang có giá rất rẻ. Người dân nên tranh thủ cơ hội để mua được trái cây chất lượng tốt.
Cũng theo chị Hạnh, chỉ trong 2 ngày đăng thông tin lên mạng xã hội, chị Hạnh đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 1.000 thùng thanh long cả ruột đỏ và ruột trắng. Người dân không chỉ mua vì giá rẻ mà còn mua hàng với tâm lý hỗ trợ thương lái và nông dân trong giai đoạn khó khăn.
Thanh long được gỡ ra từ các container hàng không được thông quan. Đảm bảo chất lượng không dập nát.
Thanh long được đóng gói cẩn thận và có nhãn bằng chữ Trung Quốc vì đây là sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, trên thùng vẫn có nhãn phụ ghi rõ thương hiệu thanh long Bình Thuận, Long An.
“Một thùng 10 quả được đóng gói cẩn thận, mẫu mã đẹp nhưng chỉ 50.000 đồng. Tôi mua liền 3 thùng cho gia đình, bạn bè và để ủng hộ bà con nông dân luôn", anh Hữu Đức (Kim Mã, Ba Đình) khách “giải cứu” thanh long chia sẻ.
Liên quan đến việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam dẫn tới nông sản ùn ứ phải bán tháo với mức giá “rẻ như cho”, tại diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa tổ chức sáng 31/12, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Long An cho biết: trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.
"Song, từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân", bà nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.