Về việc thanh lý hợp đồng cho lao động VN trở về từ Libya, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, cuối tháng 3.2011, hơn 1.100 lao động VN cuối cùng từ Libya về nước theo đường biển sẽ cập cảng Hải Phòng.
Hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ lao động diện này. Đây là những hỗ trợ đặc thù ngoài hỗ trợ theo quy định hiện hành của Luật Xuất khẩu lao động (XKLĐ).
|
Lao động VN từ Lybia trở về. |
Quy trình thanh lý hợp đồng lao động thế nào, thưa ông?
- Quy trình này đã được quy định trong Luật XKLĐ và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, lao động sẽ tới các doanh nghiệp XKLĐ để điền vào các mẫu kê khai về lý do về nước, thời gian làm việc chính thức tại nước bạn, các khoản tiền còn nợ hoặc các khoản tiền doanh nghiệp thu trước.
Thưa ông, cuối tháng 2.2011, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã hứa sau 2 tuần sẽ thanh lý hợp đồng cho lao động. Vì sao tới giờ nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thực hiện thủ tục này?
- Nếu thực hiện thanh lý hợp đồng theo Luật XKLĐ thì ngay sau khi lao động về nước đã có thể tới DN XKLĐ để làm thủ tục này. Tuy nhiên, hiện các DN đang đợi hướng dẫn của Chính phủ về các mức hỗ trợ thêm.
Theo đó, lao động sẽ được hỗ trợ tạo việc làm trong nước hoặc ngoài nước và có chính sách hỗ trợ về tài chính. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phân loại lao động, với những lao động mới xuất cảnh (từ 1-2 tuần tới 1 tháng) thì có hỗ trợ cao hơn, cụ thể hơn.
Lao động muốn thanh lý hợp đồng sớm thì rất đơn giản, chỉ cần làm theo chính sách hiện hành là xong. Nhưng như thế rất thiệt thòi vì mức chi trả thấp và có một số khoản khó đòi (bản thân DN không đòi được).
Ví dụ như lao động xuất cảnh dưới 1 năm thì được trả lại tiền dịch vụ số tháng còn lại. Lương lao động là 400USD/tháng, DN thu trước 40USD thì sẽ trả lại phí 1 năm dịch vụ, tương đương 480USD. Nhưng nếu lao động xuất cảnh hơn 1 năm thì không có khoản này. Chính vì vậy mà phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ…
Ông có nhắc tới hỗ trợ về tài chính, vậy khả năng là bao nhiêu?
- Vì Chính phủ chưa thông qua nên tôi không công bố được, nhưng chắc chắn sẽ có mức hỗ trợ thoả đáng để lao động không quá thiệt thòi vì rủi ro này.
Theo thống kê của Cục, sẽ có bao nhiêu lao động được hưởng hỗ trợ từ Chính phủ?
- Theo thống kê chung, hiện có hơn 10.000 lao động từ Libya về nước. Thị trường Libya chúng ta đã khai thác 3 năm qua, nên cũng có nhiều lao động gần hết hạn hợp đồng lao động để về nước. Việc xử lý hỗ trợ căn cứ vào hợp đồng nên không phải 100% lao động về nước được hỗ trợ. Con số chính xác sẽ có khi chúng tôi tổng hợp toàn bộ hợp đồng của lao động sau khi thanh lý.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thanh (thực hiện)
9 doanh nghiệp sẵn sàng nhận công nhân
Ngày 30.3, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, đến thời điểm này đã có 9 doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ số lao động từ Libya về nước với mức lương từ 3 – 20 triệu đồng/tháng. Viglacera đã tuyển được gần 50 lao động và số này đã bắt đầu làm việc. (Bích Phượng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.