Thánh Tản “đi Tết” vua Hùng

Hà Nguyên Huyến Chủ nhật, ngày 10/04/2022 18:06 PM (GMT+7)
Làng Khê Thượng (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) là một làng quê bình yên, trù mật nằm giữa sông Đà và núi Tản. Khê: theo Hán tự có nghĩa là "suối". Khê Thượng là "dòng suối ở trên".
Bình luận 0

Khê Thượng - vùng đất huyền hiểm

Làng Khê Thượng (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) là một làng quê bình yên, trù mật nằm giữa sông Đà và núi Tản. Khê: theo Hán tự có nghĩa là "suối". Khê Thượng là "dòng suối ở trên". Phải chăng dòng suối này là nguồn nước của một triền núi Tản chảy xuống đầm Long (có lẽ sự định vị tương đối này trong quan niệm đây là vùng đất chót vót của xứ Đoài). Trên thực địa, nếu từ Sơn Đà đi ngược dòng song vài cây số là xã Thuần Mỹ - một làng quê vốn được kết "chạ" với Sơn Đà. Lên trên vài cây số nữa là đất Mộc, Chẹ… thuộc Xã Minh Quang, Khánh Thượng (những xã miền núi của huyện Ba Vì). Đây là địa bàn cư trú của người Mường, Dao…

Nằm giữa núi Tản - sông Đà, Khê Thượng và những làng xung quanh là một vùng non nước hữu tình, địa linh nhân kiệt. Nơi đây có làng Thái Bạt nổi tiếng với dòng họ Phạm Doãn có 6 người được phong quận công trong việc "phò Lê, diệt Mạc". Đầu thế kỷ XVI có Trạng nguyên Phạm Trấn lập ra làng Đan Thê. Đầu thế kỷ XX đất linh lại xuất hiện nhà thơ, nhà báo Nguyễn Khắc Hiếu - bút hiệu Tản Đà nổi tiếng.

gio to/ Thánh Tản “đi Tết” vua Hùng - Ảnh 1.

Núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: L.B

Ngày mồng 7 tháng Giêng diễn ra lễ hội "chém may" ở làng Khê Thượng. Đây là trò vui và ấn tượng nhất!Vật bị chém là một cây chuối cao khoảng 1,5m đã bóc bớt vỏ. Khi người xướng tế: "Khởi trừ gian đạo" thì một bánh pháo được đốt nổ vang trời. Người "chém may" phải tính toán sao đấy để sau khi một đường đao vung lên thân chuối đứt thành ba đoạn, đó là một thế võ "chém nghịch". Đường đao đi xuống rồi được hất ngược lên… quan trọng là ở chỗ, thân chuối đứt rồi nhưng thời gian chỉ còn dăm, bảy tiếng pháo nữa là hết. Đạt được như vậy nhân dân trong làng, trong hội sẽ gặp một năm suôn sẻ làm ăn!

Khê Thượng là vùng đất hiểm, bao đời nay dân cự quần tụ bên bờ một dòng sông mà mỗi năm mùa lũ về (khi chưa có thủy điện sông Đà), nước sông Đà réo sôi như ngàn vạn vó ngựa tung bờm phi nước đại về xuôi. Năm 1971 đã xảy ra vỡ đê ở địa bàn Khê Thượng. Cho đến nay đầm Long là một hồ nước lớn đầu nguồn sông Tích. Đầm Long rộng và sâu, nghe nói trong đầm xưa kia có "giải" (một loài bò sát khổng lồ thuộc họ rùa) cư trú. Khê Thượng có đình làng thờ Đức Thánh Tản, ngôi đình không to nhưng tọa lạc ở một vị trí đẹp, hướng chính của đình nhìn về núi Tản. Cạnh đình là chùa Hoa Vân, văn chỉ và đền Nhà Bà…

Theo thời gian, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp, giặc đã đốt sạch, phá sạch. Năm 1949 chúng xây tại Khê Thượng một hệ thống đồn bốt để ngăn chặn Việt Minh từ phía bên kia sông đánh sang. Bên kia sông là đất Phú Thọ, là địa bàn của căn cứ địa kháng chiến. Không ai ngờ lễ hội làng Khê Thượng năm 1948 là lễ hội cuối cùng được tổ chức đầy đủ và quy mô trên mảnh đất này. Tuy mất hết "ngọc phả, bia ký" nhưng trong sâu thẳm tâm linh dân làng, niềm tôn kính Thánh Tản và lễ hội tôn thờ ngài như chưa hề bị gián đoạn.

Lễ hội làng Khê Thượng

Khê Thượng xưa có 6 "giáp", mỗi năm làng cử một "giáp" đăng cai. Ngoài làng, Khê Thượng kết "chạ" với làng Thạch Xá (xã Thuần Mỹ), Gành Bợ (xã Thạch Đồng, Phú Thọ) vì cả hai làng này đều thờ Đức Thánh Tản (Tản Viên sơn thánh - con rể Vua Hùng).

Mở đầu lễ hội dân làng mô tả lại cảnh Đức Thánh Tản đi Tết Vua Hùng. Đối với những nơi khác, lễ hội được mở nhằm những năm được mùa, hay vài ba năm mới mở "hội đám" một lần, còn lại chỉ là "hội lệ". Song, với Khê Thượng lễ hội năm nào cũng mở với lý lẽ: Đi Tết bố vợ lại phải chọn năm hay sao?

gio to/ Thánh Tản “đi Tết” vua Hùng - Ảnh 3.

Các cụ làm lễ ở đình làng. Ảnh: T.L

"Bao nhiêu năm nay tuy làng không mở được hội nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng "lệ nhật" của Ngài. Tức là cứ đến giờ đó, ngày đó, nhà đò chúng tôi làm lễ và diễn lại cảnh đưa đón Ngài như khi mở hội".

Cụ Phan Danh Phước

Tương truyền rằng: Trước ngày vào hội, trong nắng ấm mùa xuân, hàng đàn bướm trắng từ 99 cánh rừng sườn phía bắc núi Tản bay rợp trời, qua sông Đà hướng về núi Hy Cương. Dân làng bảo: Đó là lúc Thánh Tản kéo quân về thăm Đất Tổ!

Hội chính làng Khê Thượng mở từ mồng 2 đến mồng 7 tháng Giêng. Trên thực tế lễ hội được bắt đầu từ đêm 30. Đêm 30 lễ rước Thánh Tản qua sông Đà. Bắt đầu từ xóm Cống (còn có tên gọi xóm Đồn), Thánh Tản chính thức đi từ Khê Thượng (Ba Vì) sang Gành Bợ (Phú Thọ). Người được chọn đưa đò cho Thánh chính là ông lái thường ngày đưa khách qua sông. Nếu năm nào được chọn, ông lái đò phải "ăn chay, nằm mộng" trước đó 21 ngày. Con đò phải được sang sửa, tu chỉnh lại cho sạch sẽ và từ hôm đó tuyệt đối không được dùng đò này đưa đón khách.

Vào quãng nửa đêm, cụ từ và ông chủ tế sau khi làm lễ trên đình, hai người lặng lẽ ra sông. Dân làng gọi lễ này là "lễ mật". Khi ấy ông lái đò đã trực sẵn, không như bình thường, hôm nay ông lái mặc "áo dài, khăn đóng", trên thuyền bày lễ vật. Sau đó ông lái đò đọc lễ "thỉnh": Rực rỡ linh thiêng/ Hào sảng tính danh/Tản Viên Sơn tam vị/Gia tặng Trung Hưng thượng đẳng thần/Đại vương liệt vị/Cẩn cáo! Sau đó xin "âm dương". Nếu Ngài cho tức là Ngài và quân hộ tống đã xuống đò. Tuy vậy, ông lái đò phải đợi cho đến khi con đò từ từ chuyển mũi, y như có người kéo đi, lúc ấy ông lái mới được cầm chèo. Song, chỉ là cầm "làm phép" bởi con đò cứ thế sang đúng bến (Gành Bợ) mặc cho dòng nước chảy xiết giữa đêm tối mịt mùng…

gio to/ Thánh Tản “đi Tết” vua Hùng - Ảnh 5.

Rước lễ đưa Thánh Tản qua sông Đà. Ảnh: T.L

Tôi đã gặp cụ Phan Danh Phước - người đã từng 33 năm chở đò ngang. Trong đời lái đò của cụ ít nhất cũng vinh dự được dăm lần chở Ngài đi Tết Vua Hùng. Cho đến tận bây giờ tuổi đã cao, không chèo đò được nữa, cụ Phước vẫn không hết ngạc nhiên: Cụ bảo: Ban ngày ban mặt, tôi chở khách sang sông thật là vất vả, lần nào vào cũng trượt bến. Thế mà khi được hầu Ngài, mọi việc cứ như in! Bao nhiêu năm nay tuy làng không mở được hội nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng "lệ nhật" của Ngài. Tức là cứ đến giờ đó, ngày đó, nhà đò chúng tôi làm lễ và diễn lại cảnh đưa đón Ngài như khi mở hội. Quả là không dám quên một năm nào… Có năm đò chỉ chở qua lại một lần, có năm phải chục lần quân tướng mới qua hết. Nhất nhất đều theo lệnh Ngài sai bảo!

Khi nhận được tín hiệu cuộc chuyển quân đã kết thúc, ông lái đốt một tràng pháo báo tin, khi ấy trời cũng đã tang tảng sáng.

Ngày mồng 2 Tết đón Ngài về có cờ kiệu, kèn trống, cờ quạt linh đình. Khi tiễn cũng như khi đón, bên đình Bợ đều mở cửa đình đèn hương túc trực. Trùng hợp với Khê Thượng "đưa đón chúa trai" thì bên kia sông kẻ Trẹo (làng Triệu Phú, huyện Phong Châu, Phú Thọ) có tục "rước tiễn chúa gái" theo chồng về núi Tản.

Chuyện rằng: Nhân sắp đến Tết, Ngọc Hoa xin phép chồng về trước để mừng tuổi bố mẹ và thăm hỏi anh em cho đến khi Sơn Thánh sang Tết và đón vợ về. Ngọc Hoa ra đi rất bịn rịn. Khi đoàn kiệu về đến kẻ Trẹo thì vì thương nhớ mà nàng không đi nữa. Nàng ngồi lại bên tảng đá và mở túi lấy trầu ăn. Tản Viên dỗ mãi không được đành vào làng, bàn với dân tổ chức trò "bách nghệ khôi hài" để rước Ngọc Hoa đi… Cho đến tận bây giờ tục "đón chúa trai" và "rước chúa gái" vẫn được dân các làng tổ chức. Vào ngày mồng 3 Tết, dân các làng quanh vùng nô nức kéo đến Khê Thượng dự hội.

Người dân Việt Nam có câu: Dù ai buôn ngược bán xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba… Đạo lý này phải chăng cũng bắt đầu từ Đức Thánh Tản mà dấu vết ấy vẫn tồn tại ở làng Khê Thượng đến tận hôm nay! n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem