Thành triệu phú nhờ… gặt lúa thuê

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 02/03/2016 17:30 PM (GMT+7)
Từng thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương nhưng giờ đây gia đình anh Trần Văn Phương (45 tuổi, hội viên chi hội nông dân thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã có mức thu nhập ổn định với 300 triệu đồng mỗi năm... nhờ nghề gặt lúa thuê bằng máy gặt đập liên hợp.
Bình luận 0

Thoát nghèo nhờ máy gặt

Về làng Trung Hóa, khi hỏi Phương “gặt lúa thuê” ai cũng biết, bởi lẽ anh là nhân vật được người trong làng cần nhất mỗi khi mùa gặt đến. Tại căn nhà khang trang, 3 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) được gia đình anh đặt cẩn thận trong góc an toàn nhất của khu vườn. “Đó là cả gia tài của tôi, nhiều năm quần quật dưới ruộng sâu và đắn đo lắm tôi mới bỏ tiền mua nó. Lúc mới mua sợ gặt không được, tiền đâu ra mà trả nợ nhưng giờ tôi đã biết mình đang đi đúng hướng”- anh Phương cười nói giòn giã.

img

Nhờ vào máy gặt đập liên hợp, anh Trần Văn Phương thu về 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Dũ Tuấn

Rót ấm trà đãi khách, anh Phương kể tiếp: “Lúc trước tôi cũng làm nghề gặt lúa thuê bằng tay, máy cắt… tốn thời gian và rất nhiều công sức nhưng tiền thù lao lại không bao nhiêu. Cách đây 3 năm, thấy nông dân rất chuộng máy GĐLH, tôi lặn lội ra tận Quảng Ngãi tìm hiểu và học tập cách điều khiển loại phương tiện khá mới mẻ này. Sau khi thành thạo các thao tác, tôi bàn với vợ vay mượn tiền khắp nơi để mua cho được 1 máy GĐLH phục vụ người dân tại xã”.

Theo anh Phương, việc điều khiển máy gặt này không khó, tuy nhiên cần phải cẩn thận trong từng công đoạn vì đường ruộng không bằng phẳng nên rất khó để điều khiển máy đi đúng hướng. Mặc dù chưa trải qua lớp học nào đào tạo kiến thức về cơ khí hay sửa chữa máy móc… thế nhưng bằng sự quyết tâm giờ đây anh Phương trở thành “địa chỉ” tin cậy mỗi khi người dân cần bảo dưỡng máy GĐLH.

“Lúc mới mua về, đây là loại phương tiện rất mới nên phụ tùng sửa chữa chưa được bán phổ biến mà phải đặt hàng tận TP.HCM. Khi máy hư thì tôi tự mày mò rồi mua đồ về tu bổ, sửa chữa. Từ 1 máy GĐLH thì giờ gia đình tôi đã có 3 máy với trị giá hơn 500 triệu đồng. Gặt thuê 2 vụ/năm, gia đình tôi thuê thêm 3 nhân công, sau khi trừ tất chi phí thì thu về được khoảng 300 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi có được thu nhập ổn định để nuôi 2 đứa con ăn học”- anh Phương cho hay.

Hội viên Trần Văn Phương đã đạt thành thích nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Đây là một trong những nông dân tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng”.

Ông Nguyễn Trọng Tốt- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Quan Nam 

Gặt “nợ” cho hộ nghèo

Cứ mỗi độ mùa thu hoạch về, sau khi nhận các mối đặt hàng, anh Phương lại vội vã điều khiển máy GĐLH để thu hoạch lúa thuê của người dân tại địa phương. Là người tiên phong đưa máy GĐLH về làng lại hay gặt giúp cho hộ nghèo, khó khăn trong vùng nên anh Phương là điểm đến tin cậy của rất nhiều người dân.

Theo ông Hoàng Đôn Tự (trú xã Tam Quan Nam), 4 sào lúa của gia đình ông lúc chưa có máy GĐLH để thuê thì mỗi khi thu hoạch ông chi trả tiền thù lao, kêu nhân công gặt khoảng 1,6 triệu đồng, chưa tính thêm tiền ăn uống…

“Nhưng khi thuê máy GĐLH của anh Phương thì chỉ mất khoảng 800.000 đồng/4 sào. Vì sống cùng trong thôn nên nếu thiếu tiền trả tiền công thì thu hoạch về, người dân bán lúa rồi mới trả tiền cũng chẳng sao. Tôi quý anh Phương bởi anh thật thà lại rất hay gặt “nợ” cho những hộ khó khăn”- ông Tự chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem