Giáo sư Erik Franckx, Đại học Tự do, Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực (trái) và Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật
pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York, trao đổi vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa theo những khía cạnh pháp lý bên lề Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" ở Đà Nẵng.
Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền không thể tranh
cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một trong những lý do thường
được Trung Quốc viện dẫn để biện hộ cho yêu sách chủ quyền của mình là ngày
14.9.1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó Phạm Văn Đồng đã
gửi công hàm cho Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai xác nhận
chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt
Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Tại triển lãm quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh
thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 21.6 vừa qua, Giáo
sư Luật Erik Franckx, Đại học Tự do Brussel, Bỉ và là thành viên của Tòa trọng
tài thường trực (PCA) cho biết: “Cần phải đọc công hàm này rất kỹ, nhất là
tuyên bố của ngài Phạm Văn Đồng, bởi vì nó chỉ nhắc đến việc mở rộng lãnh hải.”
Ông cho biết vào thời điểm công hàm được đưa ra (năm 1958), nhiều
nước ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý và ông cho rằng công hàm của Thủ tướng
Phạm Văn Đồng “ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc”. Tuy nhiên ông nhận định:
“Điều quan trọng là Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập cụ thể đến quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa”, nên không thể suy diễn Việt Nam xác nhận chủ quyền của
Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Nói về giá trị pháp lý của các bản đồ, Giáo sư Franckx cho
biết, rất khó có thể chứng minh chủ quyền lãnh thổ chỉ bằng bản đồ vì vậy bản đồ
cần phải đi kèm với những tài liệu, thỏa thuận có giá trị pháp lý.
“Bản thân bản đồ chỉ là bằng chứng đủ, hỗ trợ thêm cho các
thỏa thuận, tài liệu được đưa ra. Vì lý do đó tôi cho rằng việc kết hợp các thỏa
thuận, tài liệu với bản đồ là rất quan trọng”, Giáo sư Franckx cho biết.
“Chạy đua kiện” tốt
hơn “chạy đua vũ khí"
Nói về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc, Giáo sư Franckx
cho biết Việt Nam có thể chọn các cơ chế khác nhau theo
Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), như phân định về vùng biển. Ông
cũng cho rằng Việt Nam có thể chọn vấn đề như Philippines, tức yêu cầu Trung Quốc
định nghĩa “đường 9 đoạn” là gì.
Trong khi đó, Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật
pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York, cũng cho rằng nếu kiện, Việt Nam nên kiện
Trung Quốc theo các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Theo ông khả năng Việt
Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Công lý quốc tế là rất khó bởi Trung Quốc có quyền từ
chối tham gia, theo quy định của tòa.
“Câu hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa không phải là vấn đề được
đề cập trong Công ước Luật biển. Mà đây là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Chính phủ
Việt Nam có thể đưa vụ kiện đối với vấn đề Hoàng Sa lên Tòa án công lý quốc tế
(ICJ). Nhưng cơ hội để ICJ đưa ra phán quyết đối với vụ kiện là rất nhỏ bởi
Trung Quốc theo quy định không buộc phải giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ
trước ICJ.”
“Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm giải quyết
vụ kiện đối với mình theo Hệ thống tòa án của Công ước Luật biển. Và chắc chắn
là Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân thủ bất kỳ quyết định nào từ tòa án trọng
tài, như trong vụ kiện của Philippines”, Giáo sư Cohen cho hay.
Giáo sư Cohen cũng gợi ý châu Á có thể thành lập một tòa
riêng để giải quyết những tranh chấp trong khu vực.
Giáo sư Cohen cho rằng Việt Nam nên kiện ngay Trung Quốc, dù
kết quả vụ kiện ra sao, vì đây là một quá trình để nêu quan điểm, thuyết phục ý
kiến của công luận và đây là một cách văn minh để giải quyết tranh chấp, trong
khi vẫn có thể thúc đẩy được hợp tác. Ông cho rằng dù châu Á có “chạy đua các vụ
kiện vẫn còn tốt hơn là chạy đua vũ khí”.
(Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.