Tháo "ngòi nổ" trong "cuộc chiến" giữ đất

Thứ tư, ngày 14/03/2012 18:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi đời sống các hộ dân khác ở quanh vùng tương đối ổn định thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng “phát canh thu tô” vẫn khổ, khi không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bình luận 0

LTS: Sau vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Báo NTNN nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh những vụ việc tương tự. Tuy nhiên, mỗi vụ việc lại có những cách hành xử khác nhau giữa chính quyền và người dân. Loạt bài này là những kinh nghiệm quý để các địa phương tham khảo.

“Cuộc chiến” giữ đất

Như NTNN đã liên tục phản ánh trên nhiều số báo (năm 2010-2011), Công ty Đồng Tháp 1 được UBND tỉnh Long An giao hơn 1.000ha đất lúa ở huyện Tân Hưng, nhưng sau đó công ty giao khoán lại cho dân không đúng luật. Bỏ ít vốn mà muốn nhiều lời, Công ty ép dân phải ký lại hợp đồng giao khoán mới với mức khoán cao hơn gấp nhiều lần, đồng thời rút ngắn thời gian giao khoán lại.

img
Nông dân xã Hưng Điền tiếp tục làm ruộng mà không bị cưỡng chế thu hồi đất.

Trong các hợp đồng được ký năm 1995, nông dân có nghĩa vụ nộp cho Công ty Đồng Tháp 1 mỗi năm 534kg/ha, trong đó có thuế sử dụng đất Công ty thu hộ Nhà nước là 420kg/ha/năm. Đến năm 2000, Nhà nước miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, người dân chỉ còn phải đóng cho Công ty 114kg/ha/năm. Thế nhưng đến năm 2007, Công ty đã nâng mức thu lên 380 - 400kg/ha/năm và sẽ tăng dần lên 750kg/ha/năm theo lộ trình đã định.

Trong khi đời sống các hộ dân khác ở quanh vùng tương đối ổn định thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng “phát canh thu tô” này vẫn khổ, khi không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Bà Phan Thị Phới - người nông dân đã “cả gan” viết thư kể khổ với Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, nông dân canh tác trong Nông trường Đồng Tháp 1 gần như sống trong một lãnh địa riêng. Người dân đi khiếu nại khắp nơi nhưng không ai giải quyết. Do dân không chịu trả lại đất nên Công ty kiện ra tòa. TAND huyện Tân Hưng, rồi TAND tỉnh Long An đã xử nông dân thua và buộc phải trả lại đất cho doanh nghiệp mà không cần biết nông dân sẽ sống ra sao.

Cùng quẫn, nhiều nông dân thề sống chết trên ruộng chứ nhất quyết không giao đất vì giao xong họ sẽ không còn đường sống. Trước đó, khi Công ty đưa lực lượng vệ sĩ xuống “chiếm” lại đất, nông dân đã tay cuốc, tay liềm tấn công khiến lực lượng này phải bỏ chạy…

Tháo “ngòi nổ”

“Các bản án phúc thẩm tuyên nông dân phải trả lại đất cho Công ty Đồng Tháp 1 có hiệu lực từ năm 2008. Tuy nhiên, nhiều lần, cán bộ thi hành án xuống địa phương, nhìn cảnh khổ của nông dân, họ lại ngậm ngùi đi về mà không thi hành được” - một cán bộ lãnh đạo xã Hưng Điền B (Tân Hưng) kể lại.

Tháng 7.2010, khi thời hiệu tự nguyện thi hành án đã hết, ông Lê Thanh Nghiêm – thời điểm này là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện này cũng chỉ đạo hoãn thi hành án bởi vụ việc hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân.

“Nhờ cách làm việc có lý, có tình của địa phương mà chúng tôi đã không phải đổ máu để giành đất. Chỉ tiếc là ông Cư đã qua đời mà không kịp nhìn thấy kết thúc có hậu”.

Từ năm 2008 tới 2010, ông Nguyễn Công Cư – Trưởng Chi cục Thi hành án huyện Tân Hưng đã nhiều lần đến gặp bà con nông dân thuyết phục họ thi hành án. Và ông đã nhận ra sự không minh bạch của câu chuyện, nhất là khi phải đuổi người nông dân ra khỏi mảnh đất mà họ đã gắn bó gần 20 năm.

Ông Cư lắng nghe ý kiến của nông dân, ghi chép tình trạng thực tế để có những ý kiến tham mưu cho lãnh đạo huyện. Sau nhiều lần họp bàn, nghe báo cáo của Chi cục Thi hành án, nghe ý kiến cán bộ xã Hưng Điền và những nông dân mất đất, lãnh đạo huyện Tân Hưng đã cho hoãn thi hành án để doanh nghiệp và nông dân tìm tiếng nói chung. Hai tháng sau (tháng 9.2010), UBND tỉnh Long An chỉ đạo thanh tra vụ việc để tìm cách giải quyết tình, lý nhất.

Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng những cơ quan có trách nhiệm đã tác động để Công ty Đồng Tháp 1 áp dụng lại mức khoán cũ với nông dân, tức 114kg/ha/năm. Các cơ quan chức năng cũng đang xem xét khả năng thu hồi đất của doanh nghiệp để giao cho nông dân.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem