|
GS - TS Trương Công Phú |
Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Phóng viên NTNN trao đổi với GS - TS Trương Công Phú, chuyên gia kinh tế, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban T.Ư MTTQ VN xung quanh những kỳ vọng về hiệu quả của đề án này.
Thưa ông, thời điểm này mới bàn về việc cứu doanh nghiệp có vẻ quá chậm, bởi các doanh nghiệp đã gặp khó khăn toàn diện, tổng thể và kéo dài trong thời gian vừa qua?
- Nhiều ý kiến cho rằng không nên nêu là đề án mà nên đi thẳng vào vấn đề “giải pháp giải cứu doanh nghiệp”. Ý kiến này về bản chất giống nhau ở chỗ muốn tháo gỡ khó khăn thì phải hiểu rõ doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì, nguyên nhân do đâu. Xác định rõ những nội dung này mới giải cứu được cho doanh nghiệp.
Còn bàn về thời điểm thì tôi cho rằng, nếu nghiên cứu kỹ Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 vừa qua sẽ thấy thời điểm này chúng ta mới tính đến những giải pháp cho nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng là quá chậm. Bởi nếu thực hiện đúng các nghị quyết ngay từ thời điểm ban hành thì tình hình không đến mức khó khăn như hiện nay.
Đề án được kỳ vọng là “khẩn cấp” cứu doanh nghiệp nhưng lại bị chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là lạc hậu? Quan điểm của ông thì sao?
- Muốn có giải pháp trúng phải phân tích rất kỹ nguyên nhân gây ra khó khăn hiện nay, từ đó mới sửa được. Không thể cứ thấy bị dị ứng mà cho uống thuốc dị ứng là khỏi ngay. Một mình Bộ Công Thương không thể đưa ra các giải pháp hiệu quả để xoay chuyển tình hình. Trong tình hình hiện nay không thể có 1 - 2 giải pháp là có thể giải quyết được, mà phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ, ăn khớp mới đem lại kết quả. Nếu mỗi bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đều có giải pháp riêng, mà không có sự bàn bạc, phối hợp sẽ không thể đem lại kết quả như mong muốn. Từng bộ có thể có giải pháp tốt nhưng khi đưa vào hệ thống chung không phù hợp, “lại đá nhau” cuối cùng sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
Tiếp cận vốn và giải phóng hàng tồn kho là 2 vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Theo ông nếu tập trung giải quyết triệt để 2 nội dung này có thể tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
- Tôi cho rằng đây vẫn chỉ là giải pháp riêng lẻ bởi nếu giải quyết 2 vấn đề này không đồng bộ, tình hình vẫn sẽ như cũ, không có gì cải thiện. Tôi ví dụ, thời điểm này doanh nghiệp không có tiền nên không sản xuất được, nhưng có những doanh nghiệp tôi biết có tiền cũng không biết sản xuất cái gì bởi không biết bán sản phẩm ở đâu, cho ai. Nếu hàng tồn kho, chất lượng kém, không tiêu thụ được mà chúng ta cứ bằng mọi giá “ép” thị trường tiêu thụ thì giải quyết được vấn đề này sẽ gây phát sinh vấn đề khác.
|
Nhiều doanh nghiệp đang sống dở chết dở do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm (ảnh minh họa). |
Nhiều chuyên gia đề xuất nên có gói kích cầu để kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán bớt hàng tồn kho. Trong khi có vẻ Chính phủ quyết định bơm tiền qua kênh đầu tư công. Ông ủng hộ quan điểm nào?
- Các khoản đầu tư công được nêu trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và hàng năm, được Quốc hội thông qua, vì vậy tổng số vốn dành cho đầu tư công khó có thể có sự thay đổi đột biến. Vấn đề đặt ra là phải sắp xếp lại đầu tư công cho hiệu quả. Còn nếu Chính phủ chủ trương phát hành trái phiếu để lấy tiền cho đầu tư công thì tôi cho rằng không nên vì lãi suất của trái phiếu rất cao, không những thế nó còn khiến nguy cơ nợ công sẽ tăng cao.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề hàng tồn kho cho doanh nghiệp, cần phải nhìn rộng ra bằng một hệ thống các giải pháp. Các giải pháp mang tính thời điểm, “chữa cháy” phải phù hợp với lâu dài và ngược lại. Chính vì vậy không nên lao vào cái này để làm hỏng cái khác.
Vậy, cần giải pháp gì ngay trong lúc này mới thực sự giúp được doanh nghiệp?
Các cơ quan nhà nước phải có giải pháp củng cố thị trường cũ và phát triển thị trường mới. Nếu không có nơi tiêu thụ thì bài toán khi tiêu thụ hết hàng tồn kho, nếu có sản xuất tiếp cũng sẽ không biết bán cho ai.
GS - TS Trương Công Phú
- Mục tiêu lâu dài của chúng ta là phải có bước đi phù hợp để tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển về chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và tiến tới dựa vào chiều sâu là chủ yếu. Hiện nay có tăng cung vốn cho doanh nghiệp cũng không giải quyết được vấn đề và có giải quyết hàng tồn đọng rồi cũng phát sinh những khó khăn mới. Giải pháp căn cơ là phải giải quyết vấn đề thị trường. Các cơ quan nhà nước phải có giải pháp củng cố thị trường cũ và phát triển thị trường mới. Nếu không có nơi tiêu thụ thì bài toán khi tiêu thụ hết hàng tồn kho, nếu có sản xuất tiếp cũng sẽ không biết bán cho ai.
Đối với thị trường trong nước, tôi cho rằng phải thực sự chú trọng tới thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ, chúng ta phải xác định được sản xuất ra sản phẩm gì để người dân ở nông thôn có thể chấp nhận được chất lượng với giá cả phải chăng.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhắc nhở, doanh nghiệp không được quá trông cậy tất cả vào Chính phủ và các bộ, ngành mà cần phải chủ động. Theo đánh giá của ông, các doanh nghiệp đã cố gắng tự cứu mình hay chưa, việc họ kêu cứu lâu nay đã hợp lý hay chưa?
- Quan điểm này của Bộ trưởng, tôi cho rằng đúng ở một “vế”. Bởi trước hết doanh nghiệp phải biết tự cứu mình trước. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, phải xem lại các chính sách vĩ mô đúng hay chưa, chính sách kiểm tra, kiểm soát có gây phiền hà gì cho doanh nghiệp hay không.
Trong nền kinh tế thị trường, nếu Nhà nước muốn “thực lòng” cứu giúp doanh nghiệp thì mọi chính sách của Nhà nước nên thông qua, lấy ý kiến doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội thì chắc chắn chính sách ban hành ra sẽ đúng.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.