Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 17.8, ý kiến Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành quan điểm quy định về điều kiện đăng ký thường trú của công dân ở nội thành Hà Nội, bởi thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải dân cư, tạo nên những áp lực về giao thông, điều kiện học tập, chỗ ở, y tế, việc làm… dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đáp ứng được, nên cần sớm có biện pháp cụ thể quản lý dân cư tại nội thành Hà Nội nhằm hạn chế tình trạng gia tăng dân số cơ học.
|
Thiếu nhà ở đang là vấn đề bức xúc của nhiều lao động tại Hà Nội. |
Cụ thể, dự luật quy định để được đăng ký hộ khẩu thường trú vào thành phố, công dân phải đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú; hoặc phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với việc hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành Hà Nội, nhưng cho rằng quản lý bằng hộ khẩu tác dụng không lớn lắm. Biện pháp quản lý hành chính này không còn giá trị, phải kèm thêm biện pháp khác.
Theo bà Mai, những chính sách đặc thù theo tờ trình của Chính phủ liệt kê nhiều chính sách, nhưng thiên về xây dựng cơ sở hạ tầng, thiếu cơ chế đặc thù cho thủ đô, chưa có phát triển văn hóa cho thủ đô. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng 16 điều được coi là cơ chế đặc thù để phát triển thủ đô “vẫn là quản lý đô thị, chưa có gì đặc thù”. Chủ tịch QH nêu quan điểm: “Đô thị có thể giống nhau, nhưng thủ đô chỉ có một. Đã là luật riêng cho thủ đô thì phải có đặc thù, yêu cầu thủ đô Hà Nội phải khác đô thị khác”.
* Hôm qua, UBTVQH cũng thảo luận về dự án Luật Phòng chống khủng bố. Vấn đề được quan tâm là có nên thành lập lực lượng chuyên trách để chống khủng bố hay không. Đa phần ý kiến đều tán thành rằng, với thực tế về tình trạng khủng bố ở VN, chưa cần có một lực lượng chuyên trách chống khủng bố để đỡ tốn kém.
“Thực tế VN đã có những lực lượng đặc trách vấn đề này như lực lượng đặc công (Bộ Quốc phòng) hay lực lượng Cảnh sát cơ động (Bộ Công an). Vấn đề chỉ là chúng ta tập luyện ra sao để khi có việc thì hai lực lượng này phối hợp tốt với nhau, triển khai nhanh gọn” - Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhất trí với điều này của dự thảo luật và gợi ý: Không có lực lượng chuyên trách nhưng vẫn phải coi hai đơn vị này là nòng cốt, định hình từ trước, phải tập luyện thường xuyên, có phương án ứng phó, phân công cụ thể để khi xảy ra việc có thể giải quyết nhanh”.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.