Nó đã lấy đất của lớp cây kế cận, nguy cơ suy thoái rừng đầu nguồn đã thấy rất rõ. Giải bài toán ấy, người trồng thảo quả... bó tay.
Nỗi oan Thị Mầu
Không ít người nói: Trồng thảo quả là giữ rừng. Giữ rừng vì lẽ không có thảo quả liệu có còn những cánh rừng ấy không? Điều đó đúng. Không trồng thảo quả, người dân sẽ vẫn phá rừng trồng ngô, trồng sắn.
|
Một gia đình người Dao ở xã Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) chuẩn bị thảo quả đi bán. |
Trên đường đi vào nương thảo quả, anh Vù A Trùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cang (huyện Sa Pa, Lào Cai) chỉ cho tôi những cánh rừng tái sinh nơi chừng 10 năm trước là nương ngô. Từ ngày có thảo quả, dân bỏ ngô, rừng có cơ hội tái sinh. Đi quanh chân dãy Hoàng Liên, đi dọc các xã biên giới từ Bát Xát (Lào Cai) sang Phong Thổ (Lai Châu), ở đâu cũng thấy rừng thẫm xanh. Việc giữ rừng đưa vào “lệ” nghiêm ngặt, bên cạnh phong tục thì còn bởi rừng ấy đã có thảo quả. Thảo quả là miếng ăn, là con đường vươn lên của người dân.
Nhưng, bên trong cái màu xanh ấy là rừng… rỗng. Từ lúc trồng, người dân đã phát hết cây con lấy đất cho thảo quả. Lúc chăm phát cỏ, phát cây con khác cho thảo quả sống, rừng thảo quả chỉ còn cây to che bóng. Hết chu kỳ cho quả chừng 30 năm, rừng thảo quả thoái hóa, lớp cây che bóng cũng đến lúc “về với các cụ”.
Có người đã ví khi ấy sẽ hình thành những “dải rừng chết” mênh mông ở lưng núi. Việc trồng lại rừng thảo quả cũng không dễ, ở Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu), nơi có những nương thảo quả “ông bà để lại”, phần lớn những nương này không còn cho quả.
Ông Lý Vần Xiền (người Dao) - chủ của một khoảng nương cũ bảo: “Muốn trồng lại phải đào hủy, bỏ đất trống 10 năm”. Thêm cái chu kỳ 3 năm gieo, 6 năm trồng, tròm trèm 20 năm, cũng gần bằng một đời thảo quả. Cũng vì cái khó ấy mà ở đây người ta không tính đến chuyện trồng lại nương thảo quả cũ “lắm công lắm mà chắc gì đã được ăn”.
Ngành Khuyến nông Lào Cai cũng đã khuyến cáo người trồng thảo quả không chặt cây nhỏ, trồng thưa, dành đất cho các cây khác cùng sống… Nhưng có lẽ khuyến cáo ấy cũng như việc vận động người dân đưa thảo quả về sấy tập trung để giảm việc lấy củi gỗ trong rừng sấy quả vậy… nặng chết. Nó cũng sẽ chỉ để nằm ở các văn phòng, không ai “gùi” nó lên rừng được.
Ông Hà Văn Um - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu nói thẳng: “Rừng thảo quả cây to chết đi không có cây nhỏ thay thế, ảnh hưởng đến tương lai của rừng nên Lai Châu bây giờ không khuyến khích trồng thảo quả nữa”.
Trông người… buồn lắm cho ta
Việt Nam cũng nằm trong vùng trồng thảo quả lớn của thế giới. Sản lượng của ta mỗi năm từ 2.000 - 3.000 tấn, chiếm khoảng 10% sản lượng thảo quả khô cùng loại (thảo quả đen của thế giới). Tính vậy thấy cũng hãnh diện, nhưng so về năng suất thảo quả ta đứng đầu… từ dưới lên. Khi các quốc gia trồng đạt năng suất từ 400 đến 1.000kg/ha (Ấn Độ, Nepal, Indonesia, Trung Quốc) thì của ta đạt bình quân 150kg/ha.
Bà Phạm Thị Lan - Chủ tịch Hiệp hội Thảo quả Lào Cai là một trong số ít những người liên quan đến thảo quả từng sang Ấn Độ tham quan, nói: “Thảo quả ở đó trồng thành đồn điền như các cây công nghiệp khác, mỗi khu có cán bộ khuyến nông chịu trách nhiệm, khi dân cần là họ đến ngay vườn, trực tiếp giúp dân”. Bà Lan cũng cho biết, năng suất thảo quả của họ gấp 3 của ta, còn giá cả cũng gấp… hơn 2 lần (giống thảo quả xanh).
Chuyên gia độc lập về chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp Viên Kim Cương đánh giá: Thảo quả Việt Nam chưa có thương hiệu, tiêu chuẩn chung về chất lượng. Vì cung cấp cho thị trường nguyên liệu thô cấp thấp nhất, do vậy mất đi cơ hội phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Ở gần ta hơn, nông dân Trung Quốc trồng thảo quả trong rừng tái sinh, điều mà ở ta là “trồng được nhưng không có quả”. Năng suất thảo quả của nông dân Trung Quốc cũng đến… thèm: 1.000kg/ha.
Ông Lê Tân Phong - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lào Cai cho biết, cơ quan ông đang tư vấn để lập hồ sơ xin công nhận thảo quả Lào Cai là sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ. Nếu thành công, đó cũng là điều được thêm cho dân vì giá trị thảo quả trên thị trường cũng tăng thêm một chút. Cây thảo quả Việt Nam dù được trồng cả vạn ha, nuôi sống cả chục vạn con người, nhưng vẫn là cây rừng. Việc mà con người can thiệp vào vẫn chỉ là phát cỏ, chặt cây già.
Chuyện chỉ chặt cây già, không xử lý củ, liệu có gây thối, ảnh hưởng đến cây không? Kỹ sư trồng trọt Nguyễn Chiêu Minh - cán bộ khuyến nông xã Nậm Cang cho biết: “Có ảnh hưởng nhưng mức độ đến đâu chưa ai nghiên cứu”. Anh Minh cũng cho biết thêm: Việc tuyển chọn bộ giống, xây dựng quy trình canh tác cho cây thảo quả… vẫn chỉ là “khởi mà chưa động”.
Về đầu ra, người trồng thảo quả Việt Nam chỉ biết trồng, sấy khô và bán, sản phẩm ấy dùng vào việc gì: Ăn, dược liệu, làm hóa mỹ phẩm hay gì gì nữa thì… chịu.
Bài 5: Con đường nhọc nhằn
Xuân Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.