Một thời cai nghiện – một thời gây giống
Chỉ chừng 20 năm trước, Nậm Cang nghèo, đói, tệ hơn nữa là nhiều người nghiện. Có người nói khi ấy đến một nửa đàn ông trong xã hút thuốc phiện. Cây anh túc trồng mọi nơi trên nương, ra đường đâu cũng gặp người nghiện. Có nhà không còn cái soong nấu cháo cho con vì bố thiếu thuốc mang đi bán. Năm 1995, Đảng ủy, HĐND xã ra “nghị quyết cai nghiện”, bắt đầu từ cán bộ, đảng viên, rồi cha, anh, chú, bác...
Đồng bào trên này không quyết thì thôi, đã quyết là làm, làm bằng được. Tất thảy “nhốt” các vị mắc nghiện lại, thuốc cai cũng rất đơn giản: Hòa loãng thuốc phiện cho uống giảm dần để bớt dần vật thuốc. Bài cai ấy của Bí thư xã Vù A Dình. Bớt vật rồi thì đi làm, lên rừng đốn cây, xẻ gỗ... Ngôi nhà ủy ban xã trước đây dựng lên bằng gỗ chính của quá trình cai nghiện ấy.
|
Anh Vù A Sáu, 38 tuổi con trai người đã đưa cây thảo quả về Nậm Cang. |
Người bị cai khổ 10 vì thiếu thuốc, người giám sát cai cũng khổ 8-9 phần, đối tượng cai có khi là bác, chú, thậm chí là cha. Ráng mà banh tai nghe chửi. Vù A Sáu kể ngày ấy anh là thanh niên tham gia giám sát cai nghiện, bị các bề trên chửi suốt. Đi đường gặp “người trên” chào, người trên quay đi không thèm trả lời. Có bậc còn nói móc “mày ác thế, rồi không sống già được đâu”. Trong những người nghiện ngày ấy có cả bố anh (tôi không dám hỏi bố anh có chửi gì không).
Cơn bão nghiện qua đi, sinh lực trở lại với Nậm Cang cũng là lúc thảo quả lên ngôi. Thảo quả hợp đất Nậm Cang nên trồng đâu được đó, diện tích tăng nhanh chóng mặt, trở thành xã có diện tích thảo quả lớn nhất toàn tỉnh. Năm 2009, giá thảo quả lên đến 190.000 đồng/kg, gia đình ông Tẩn Sành Quẩy thu 7 tấn thảo quả khô, bán hơn 1,3 tỷ đồng. Số hộ dân thu trên 2 tấn thảo quả/năm (hộ tỷ phú) cũng gần 20 hộ, số hộ thu 1 tấn/ năm (câu lạc bộ tấn) cũng phải trên 50 hộ.
Dân Nậm Cang làm thảo quả nay đã thiện nghệ, có thể gọi là “làng nghề thảo quả”. Con đường đi học cũng ngắn hơn vì cây thảo quả, chuyện các gia đình người Mông, Dao trong xã tính cho con đi học đại học, cao đẳng “tay bo” không phải là ít.
Ngôi mộ bên rừng vàng
Hơn hai giờ leo dốc, anh Vù A Trùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa tôi chạm vào phần chính lãnh địa thảo quả của xã. Cái phần chính ấy kéo dài mấy quả núi, cũng là nơi bắt nguồn của suối Nậm Than. Ngay cửa rừng giữa con đường và dòng suối có ngôi mộ đá, anh Trùng bảo ngôi mộ đó của người đã đưa cây thảo quả về Nậm Cang – ông Vù A Chư.
Người già nhớ ông Vù A Chư mang cây thảo quả từ Tả Giàng Phình (Sa Pa) về vào khoảng năm 1950. Ông Chư mất năm 1999, thọ 66 tuổi. Người Mông có tục chọn vị trí và hướng mộ theo “lý” của từng gia đình, dòng họ, không biết gia đình theo “lý” hay theo “ý” chứ vị trí chôn ấy thật hợp với “ông tổ” nghề thảo quả ở Nậm Cang. Ông nằm đó như canh giữ cho rừng thảo quả có cái gốc do chính ông đi bộ cả ngày đường đưa về, giờ mang no ấm cho cả xã.
Thêm gần 3 giờ đi bộ nữa, chúng tôi mới đến được nơi cần đến, là nương thảo quả đang thu hoạch của anh Vù A Sáu. Anh Sáu năm nay 38 tuổi, là y sĩ của Trạm Y tế xã và cũng là người trồng thảo quả giỏi của xã. Ở Nậm Cang, phần lớn cán bộ xã ăn lương Nhà nước thì ít mà ăn lương… thảo quả thì nhiều. Ở xã này không biết trồng thảo quả thì … chưa là cái gì mà đòi làm cán bộ. Anh Trùng - Chủ tịch Hội Nông dân cũng nằm trong Câu lạc bộ “tấn”. Sáu là con trai ông Vù A Chư, anh to khỏe như một con gấu, quá hợp với việc vật lộn với rừng và hơi thừa với công việc y tế xã.
Nậm Cang có 264 hộ đồng bào Dao, Mông. Diện tích thảo quả của xã là 667ha theo thống kê, diện tích thực có lẽ đến cả nghìn ha, mỗi năm thu về 10-20 tỷ đồng tùy theo được mùa và giá cả. Năm 2010, Nậm Cang được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Chặng đường đi học của Sáu cũng thật dài. Học phổ thông đã xuống huyện, đi cả ngày đường, rồi học y tá, học y sĩ. Suốt tất cả những chặng đường ấy đều có mùi… thảo quả. Học rồi về đi làm thì bố mất, anh tiếp tục cái nghề trồng thảo quả của bố. Không trồng được nhiều vì còn làm ở xã nhưng thảo quả nhà anh thuộc diện “có nghề gia truyền”.
Bí quyết trồng, anh bảo: “Cũng như mọi người thôi, nếu có chăng là chăm chút nó hơn một tý”. Nghề trồng thảo quả ở ta thực ra vẫn mới chỉ có sức người đầu tư là chính, hơn nhau ở cái may chọn được vị trí tốt và cái công.
Nương thảo quả của Sáu nằm ở độ cao chừng 2.000m, giữa lưng chừng núi Phanxipăng. Mới chiều mây đã trùm kín, đêm về thêm sương, hơi nước từ giàn sấy thảo quả bị đè xuống quyện chặt lấy căn lều, mấy anh em như đang ở trong phòng xông thuốc. Tôi vừa như bị sặc hơi vừa muốn hít thật đầy phổi cái mùi thơm không dễ có ấy.
Bài 4: Thảo quả - giữ rừng hay phá rừng
Xuân Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.