Vùng thảo quả nơi biên ải

Thứ năm, ngày 25/10/2012 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ những bản làng xa nhất, cao nhất trên tuyến biên giới phía Bắc, quanh dãy Hoàng Liên, đi mãi, đi mãi cuối cùng cũng đến được nương thảo quả đang chín trong các khe núi, giữa mây ngàn.
Bình luận 0

Những chùm quả đỏ rực như mâm xôi ôm lấy bụi cây, thơm nồng. Có người ví thảo quả như lúa đỏ, mang ấm no cho bao người. Không ai biết thảo quả được trồng ở Mồ Sì San từ bao giờ, cả 8 xã trên tuyến biên giới huyện Phong Thổ (Lai Châu) này cũng vậy. Các cụ bảo: “Từ ông bà đã có”.

img
Thu hoạch thảo quả ở xã biên giới Mồ Sì San (Phong Thổ - Lai Châu).

Mùa quả trên nóc nhà ải bắc

Lần đầu tiên tôi đến nương thảo quả năm 2009 khi đi cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải lên cột mốc 79, cột mốc có độ cao lớn nhất trong toàn tuyến biên giới. Từ xã Mồ Sì San lên cột mốc đi đúng 1 ngày đường. Bắt đầu khởi hành, thiếu tá Quàng Văn Viện - Chính trị viên đồn bảo: “Nghỉ ăn trưa ở nương thảo quả”.

Trong chặng đường tuần biên của những người lính, nương thảo quả như một cái mốc để dừng chân. Ở đó bao giờ cũng có khe nước, có lán nương, có những thứ thật đơn sơ nhưng giữa rừng già thì vô cùng quý. Nghỉ chân trên nương thảo quả thực như đi du lịch khám phá. Nương thảo quả xanh mướt như ngọc, râm mát dưới tán rừng rêu phong, róc rách tiếng nước cổ tích. Nghỉ một lát mà thấy tan cả mệt. Ngày ấy chỉ có cái tiếc không được thấy quả chín như anh em kể: Những chùm quả chín ôm quanh cụm cây như chuỗi hồng ngọc trên cổ mỹ nữ.

Tháng 10, những bản người Dao Đỏ ở Mồ Sì San vắng hoe, mọi người đang tập trung thu hai vụ lúa: Lúa vàng dưới ruộng và thảo quả - lúa đỏ trên rừng. Tôi xin được lên nương thảo quả đẻ xem “chuỗi hồng ngọc”, đồng thời xem cái lò “bát quái” luyện thảo quả giữa rừng. Tẩn Chin Phàng (30 tuổi) - Trưởng bản Tân Séo Phìn đồng ý bỏ việc nhà hai ngày để đưa tôi đi.

Nương thảo quả của người Dao Đỏ ở Mồ Sì San ngăn nắp như vườn, có cả rào phân chia, nhiều nhà trồng ra hàng, lối hẳn hoi. Lán thảo quả cũng quy mô không hề tạm, dựng bằng gỗ có ngăn xép để nằm, lò xây đá dày, âm hơi, đốt đỡ tốn củi mà quả khô đều đẹp. Thật không hổ với danh dân tộc làm thuốc. Buổi chiều khói lò tỏa ra quyện mây, thơm lừng trong nắng thu vàng lấp ló. Cái cảnh mà chỉ muốn vứt tất thảy phố phường đô thị lên đây mà … tu.

Lệ rừng ở xứ sở mù sương

Bản Tả Dì Thàng của người Hà Nhì chỉ cách chợ trung tâm xã Ý Tý 10 phút đi bộ. Trưởng bản Lỳ Xe Vù đưa tôi về nhà, cả nhà đi vắng nhưng không thấy khóa cửa. “Vợ con đi nương từ sớm, nó để cửa cho mình còn vào chứ” - Trưởng bản Vù nói. Bảo ông trưởng bản đi tìm khóa, loay hoay mất đến 15 phút cuối cùng cũng tìm được cái khóa nhỏ bằng hai đầu ngón tay, có lẽ lâu lắm rồi nhà ông không cần dùng đến nó. Chuyện mất trộm ở bản ông bảo: “Chừng 20 năm trước có một vụ”, dân bản, sống với nhau bằng “lệ”.

Lào Cai đã đưa thành công nội dung về cây thảo quả vào hương ước của 66 xã trồng thảo quả trong tỉnh. Nội dung chính gồm các quy ước về: Thu hái thảo quả, không bán non, đảm bảo phẩm cấp, chất lượng thảo quả khô, bảo vệ thương hiệu thảo quả Lào Cai…

Lệ bản đơn giản lắm nhưng không ai dám vi phạm nhất là tội trộm cắp. Phạm tội ấy xử “xấu hổ lắm”, đại thể: Làm cỗ mời mọi người đến, đeo vật ăn trộm vào cổ, đứng trước mọi người xin lỗi. Nếu lời xin lỗi đạt mức độ… chân thành, dân bản sẽ vào ăn “cỗ phạt”. Khi ăn, người phạm lỗi vẫn đeo vật ăn trộm ấy đi từng mâm xin lỗi… Rồi sau đó tùy theo mức nặng nhẹ mà người bị phạt phải đi làm lao động công ích như dọn vệ sinh, làm đường quanh bản… Xấu hổ chết, cả đời không dám phạm lại nữa.

Cũng nhờ những cái “lệ” ấy mà thảo quả ở Ý Tý phát triển rất mạnh, nương xa tít trong rừng nếu bị mất trộm chỉ có… trời tìm. Đưa chúng tôi lên nương thảo quả đỏ rực, chưa thấy ai thu hái, hỏi ông trưởng bản mới biết đầu tháng 11 mới thu. Cả vùng thống nhất thế, để thảo quả chín già, không hao.

Tả Dìn Thàng chưa phải là bản thanh bình nhất của Ý Tý. Nhất phải kể đến Hồng Ngài, bản xa nhất cũng là giàu nhất xã. Nhờ lúa, nhờ thảo quả và quan trọng nhất nhờ vào sự yên bình. Thảo quả ở Hồng Ngài bạt ngàn trải dài hàng chục cây số, vươn lên gần cột mốc biên giới số 85, sang giáp đến xã Sin Súi Hồ ở tỉnh Lai Châu. Cuộc sống gắn kết với nhau bằng cái lệ, thảo quả chín đỏ rừng nhưng chưa thông qua bản, không ai tự ý lên rừng hái dù chỉ một quả. Chỉ những quả chín đen, đã rũ ra hỏng rồi, ông Lý A Páo bảo “cũng tiếc đấy nhưng không tiếc bằng thu non”.

Trước ở đây thảo quả thu từ rằm tháng 7 âm lịch, quả còn non, có khi 5 cân sấy được 1 cân, nay thống nhất để già, chỉ 3,5 cân được 1 cân khô, quả khô lại đẹp, không mốc. “Nhưng muốn làm được như vậy “lý phải chắc” - ông Páo nói.

Bài 2: “Cây vàng” của người Lá Vàng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem