Thất lạc, hư hỏng bưu phẩm qua chuyển phát nhanh, có được bồi thường?

Quang Phương Chủ nhật, ngày 15/08/2021 08:00 AM (GMT+7)
Mùa dịch Covid-19, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm của người dân thông qua các dịch vụ vận chuyển càng cao và đã có những vụ thất lạc, hư hỏng bưu phẩm xảy ra.
Bình luận 0

Dân Việt vừa phản ánh câu chuyện "Gửi nhu yếu phẩm qua chuyển phát nhanh từ Nghệ An vào Bình Dương nhưng hàng lại đến... Tây Nguyên". 

Nhiều bạn đọc thắc mắc, khi sử dụng dịch vụ vận chuyển nhưng bưu phẩm, hàng hóa bị thất lạc, hư hỏng, mất…  có được bồi thường?

Luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho biết: Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định của Chính phủ năm 2011 về Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu Chính năm 2010, khi bưu phẩm bị mất, thất lạc, hư hỏng, người thuê dịch vụ chuyển gửi cần sử dụng hợp đồng chuyển gửi hoặc chứng từ chứng minh việc gửi hàng (bill gửi hàng) để yêu cầu bên được thuê chuyển gửi trả lời chính xác lý do hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc bị hư hỏng.

Gửi bưu phẩm bằng dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng bị thất lạc, hư hỏng, mất… phải làm sao?  - Ảnh 1.

"Bill gửi hàng" của khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh J&T express nhưng hàng hóa thay vì chuyển đến Bình Dương thì lại chuyến đến Tây Nguyên. (Ảnh: CTV Đ.Th.)

"Nếu không có yếu tố cố ý của con người tác động, như hành vi trộm cắp, tráo hàng hoặc cố tình hủy hoại hàng hóa thì bên được thuê chuyển gửi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại tương ứng với giá trị hàng hóa, cùng với số tiền cước phí đã nhận cho bên thuê chuyển gửi. 

Số tiền bồi thường thiệt hại không thấp hơn 4 lần so với cước phí đã nhận, căn cứ theo Điều 541 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 40 Luật Bưu chính 2010, được hướng dẫn tại Điều 25 Nghị định của Chính phủ năm 2011, quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu Chính vừa nêu", luật sư Điền nói.

Theo luật sư Điền, trường hợp phát hiện hành vi trộm cắp, tráo hàng hoặc cố tình hủy hoại hàng hóa, thì bên được thuê chuyển gửi phải tố giác đến Cơ quan cảnh sát điều tra nơi xảy ra hành vi.

Đồng thời, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại tương ứng và cước phí đã nhận cho bên thuê chuyển gửi, sau đó có thể yêu cầu người có hành vi trên bồi hoàn cho bên được thuê chuyển gửi. 

Thời hạn bồi thường thiệt hại là 30 ngày kể từ ngày hai bên xác nhận xẩy ra thiệt hại đối với bưu phẩm chuyển gửi. 

Tiền bồi thường và phí hoàn trả sẽ được giao cho bên gửi bưu phẩm, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác về việc gửi tiền bồi thường cho bên nhận bưu phẩm.

Gửi bưu phẩm bằng dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng bị thất lạc, hư hỏng, mất… phải làm sao?  - Ảnh 3.

Đơn hàng được gửi cho anh Trương Đức Thuận tại Bình Dương nhưng sau 20 ngày, hàng lại nằm ở Tây Nguyên. (Ảnh: Quang Phương)

"Trường hợp bên được thuê chuyển gửi, không xác nhận việc xẩy ra thiệt hại đối với hàng hóa hoặc xác nhận nhưng không thực hiện bồi thường trong thời hạn 30 ngày, thì bên thuê chuyển gửi có thể khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi có địa điểm đã đến để gửi hàng.

Ngoài chi phí bồi thường tương đương với giá trị hàng hóa, tiền cước phí, bên được thuê chuyển gửi còn có thể chịu lãi suất trả chậm và hoàn trả chi phí hợp lý mà bên thuê chuyển gửi đã phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện" - luật sư Điền thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem