Thống kê của Bộ GD-ĐT về số lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH CĐ năm 2017 mới đây cho thấy, trong số 635.000 TS cả nước đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH thì có 10 nhóm ngành được TS lựa chọn nhiều nhất (chiếm 50% TS cả nước).
Ngành sư phạm vẫn được nhiều TS lựa chọn (Ảnh minh họa: IT)
Đứng đầu danh sách này là nhóm ngành kinh doanh với trên 80.000 TS đăng ký NV1, tiếp đó là nhóm ngành ngôn ngữ - văn hóa với 42.500 TS đăng ký (chiếm 6,7%). Đặc biệt, nhóm ngành đào tạo giáo viên vẫn xếp vị trí thứ 3 với trên 39.000 TS đăng ký (chiếm 6,2%), sau đó mới đến nhóm ngành Luật (5,5%), y – dược (5%), công nghệ thông tin (4,3%), công nghệ kỹ thuật cơ khí (3,7%), tài chính – ngân hàng...
Lý giải việc ngành sư phạm thất nghiệp nhiều, khó xin việc nhưng thí sinh vẫn “chuộng”, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Sức hấp dẫn của ngành học này vẫn nằm ở việc miễn học phí và điểm đầu vào không quá cao.
“Trước đây, việc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên rất khó khăn, điểm trúng tuyển phần lớn rơi vào khoảng từ 20 – 24 điểm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây khi nhu cầu giáo viên đã bão hòa, điểm trúng tuyển sư phạm chỉ dao động từ 17 – 21 điểm, thậm chí rất nhiều ngành chỉ lấy bằng điểm sàn. Điểm đầu vào thấp cùng với việc ưu đãi học phí, môi trường làm việc trẻ trung, được tôn vinh là một nghề cao quý, được nghỉ hè có lương... vẫn khiến ngành sư phạm thu hút TS, “bất chấp” cảnh báo thất nghiệp, khó kiếm việc làm” – một chuyên gia giáo dục phân tích.
Em Nguyễn Thu Trang (Lý Nhân – Hà Nam) cho biết, trước khi quyết định thi vào ngành sư phạm mầm non em cũng đã tìm hiểu về cơ hội việc làm sau ra trường khá cẩn thận. “Khi nói thi sư phạm, nhiều người cũng ái ngại cho em lắm nhưng em đã tìm hiểu kỹ và được biết giáo viên THCS giờ thừa nhiều nhưng giáo viên mầm non vẫn thiếu. Bố mẹ cũng đã “nhắm” chỗ gửi gắm sau khi ra trường, hơn nữa sức học của em chỉ có khả năng đỗ CĐ sư phạm. Vì những lý do đó nên em quyết định thi vào ngành học này” – Trang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đối với nhóm đào tạo sư phạm, mặc dù vẫn có lượng TS đăng ký khá đông nhưng việc lựa chọn chuyên ngành đã có sự cân nhắc rõ rệt phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Nếu như trước đây, tỷ lệ TS chọn ngành sư phạm bậc phổ thông rất cao thì năm nay, tỷ lệ lớn nhất trong nhóm ngành đào tạo giáo viên là giáo dục mầm non (chiếm 33%). Điều này phù hợp với nhu cầu hiện nay, ngành giáo dục mầm non vẫn đang thiếu khoảng 45.000 giáo viên. Để cân bằng việc thừa – thiếu giáo viên cục bộ, mới đây, Bộ GD-ĐT đã phải xây dựng đề án đào tạo lại trên 40.000 giáo viên phổ thông đưa xuống dạy cấp học mầm non.
Ông Ga cũng cho biết, sau khi có kết quả thi, thí sinh vẫn còn cơ hội điều chỉnh lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Chính vì vậy, có thể tỷ lệ chọn các khối ngành sẽ biến động nhưng không nhiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.