Thất nghiệp “tự nguyện”, kiếm tiền triệu từ chạy xe ôm, bán nước...

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 22/03/2017 06:19 AM (GMT+7)
Tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều cử nhân hết đi làm tiếp thị, đi phát tờ rơi, đi bán trà đá… lại chuyển sang làm xe ôm. Thực tế đáng buồn này được Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong đề cập bên lề buổi Đối thoại trực tiếp với thanh niên ngày 21.3.
Bình luận 0

Chạy xe ôm lương cao hơn đi làm nhà nước

Dù 4 năm tiêu tốn mấy trăm triệu đồng ăn học đại học nhưng sau khi tốt nghiệp Đào Thanh Chiến (Thanh Hóa) đành từ bỏ giấc mơ “sáng cắp ô đi tối cắp về” mà chật vật kiếm sống bằng các nghề “chạy rong” khắp nơi.

Chiến kể, anh tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội và nhân văn từ năm 2012. Suốt 5 năm qua, anh vác hồ sơ đi xin việc nhưng không kiếm được công việc ổn định, đúng chuyên môn được đào tạo. “Hồi đầu cũng làm đủ nghề, từ bảo vệ, tiếp thị… để chờ việc mà không được, giờ thì vừa chạy xe ôm Grabbike vừa bán trà đá vỉa hè cùng mấy bạn” – Chiến tâm sự.

img

  Ngày càng có nhiều cử nhân thất nghiệp đi làm xe ôm.    ảnh: Minh Nguyệt  

Với nghề bán trà đã và chạy xe ôm, tháng nào bèo nhất thu nhập của Chiến cũng được 8 triệu đồng, tháng cao nhất được 15 triệu đồng. “Làm mãi thành quen giờ cũng chẳng có ý định đi tìm việc khác nữa” – Chiến nói.

Anh Nguyễn Văn Đôn (Hà Nội) là addmin của Hội Grabbike Hà Nội cho biết, hầu hết những người chạy xe là các bạn sinh viên, dân văn phòng, cử nhân tốt nghiệp chưa có việc làm. Trong đó, có 1/3 là cử nhân tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Do tính chất công việc tự do, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không bị quản lý nên nhiều bạn sinh viên rất thích làm đối tác của Grabbike.

“Mình tốt nghiệp cao đẳng được hơn 1 năm, hiện tại làm nghề sửa chữa điện lạnh. Nghề chạy Grabike chỉ là nghề tay trái, nhưng lại là thu nhập chính của mình. Nếu chạy xe đều mỗi tháng cũng kiếm 6-7 triệu đồng” – Đôn nói.

Cũng theo Đôn, có những lái xe Grabbike chạy chuyên nghiệp, làm toàn thời gian, một tháng có thể kiếm 12-15 triệu đồng là bình thường. 

Tỷ lệ thất nghiệp cử nhân còn tăng cao

Thực tế nhiều cử nhân ra trường, lúc qua trung tâm tìm việc thì chê công việc không tốt. Có bạn chê lương thấp, có bạn lại chê môi trường làm việc quá vất vả… Có bạn lại so sánh tiền lương, thời gian làm việc và nói thà về đi bán trà đá, chạy xe ôm lương còn hơn. Do vậy, có nhiều cử nhân qua trung tâm tìm kiếm việc làm vài ba lần mà vẫn không ưng ý”.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – chuyên gia lao động việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, chuyện cử nhân thất nghiệp không có gì lạ. Các cử nhân đi bán trà đá, chạy xe ôm cũng là bình thường. Xã hội có nhu cầu, các bạn cử nhân cần việc để duy trì cuộc sống, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi họ chấp nhận làm những công việc thấp hơn trình độ.  “Có điều, cần phân tích rõ vì đang xảy ra tình trạng có một bộ phận không nhỏ cử nhân thất nghiệp kiểu “tự nguyện”. Tức là khi tham gia thị trường lao động, có việc làm nhưng họ không làm bởi có tâm lý công việc không xứng với trình độ đào tạo của bản thân hoặc thu nhập thấp không đủ sống” – bà Hương nói.

Ông Trần Văn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT) cho rằng, câu chuyện cử nhân thất nghiệp đi bán trà đá, chạy xe ôm là bình thường, xã hội nào cũng có. Sở dĩ tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao là do không ít cử nhân có tâm lý ỷ lại, không năng động trong việc tìm kiếm việc làm. “Có điều, các bạn cử nhân thất nghiệp đi làm không đúng trình độ gây lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo. Tuy nhiên, thị trường lao động chịu tác động bởi quy luật thị trường, nên không chỉ cử nhân mà cả thạc sĩ, tiến sĩ cũng vậy. Ai không đáp ứng được công việc đều có thể thất nghiệp” – ông Hùng nói.

Trao đổi bên lề buổi đối thoại, ông Lê Quốc Phong cho rằng vấn đề cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường là vấn đề khá đáng tiếc. Ông Phong mong muốn, sinh viên trước khi ra trường nên mở rộng các cơ hội tìm kiếm việc làm trong cả nước, không nên chỉ dừng lại ở các đô thị lớn. Bởi có thể, có những việc làm mà ở vùng sâu vùng xa, cơ hội việc làm vẫn thiếu chứ không phải không có nhu cầu. “Trách nhiệm của cơ quan chức năng là cung cấp kịp thời, đa dạng thông tin về thị trường lao động để họ có thể tiếp cận. Nhưng ở góc độ khác, bản thân cử nhân cũng nên có góc nhìn rộng ra về cách tìm kiếm việc làm, có như vậy mới giải quyết được vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường” – ông Phong nói.

Ông Phong cho biết, T.Ư Đoàn  cũng đang tích cực phối hợp Bộ LĐTBXH tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ các cử nhân tìm kiếm việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem