Bộ trưởng Nhạ: "Tôi nhận trách nhiệm để cử nhân thất nghiệp nhiều"

Tùng Anh Thứ tư, ngày 16/11/2016 10:44 AM (GMT+7)
“Khi nhận nhiệm vụ đây là điều làm tôi trăn trở rất nhiều, là người đứng đầu ngành giáo dục, tôi thành thật nhận trách nhiệm, không trốn tránh về lỗi đã để xảy ra tình trạng cử nhân thất nghiệp nhiều” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD ĐT) Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 16.11.
Bình luận 0

img

Câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) dành cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm “nóng” nghị trường sáng ngày 16.11 liên quan đến vấn đề không hề mới nhưng luôn nhức nhối: Cử nhân thất nghiệp. Theo đại biểu Minh, hiện nay, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp của cả nước đang ở mức 191.000 người. Trong khi đó, việc đào tạo còn rất dàn trải ở các địa phương. Nhiều nơi các trường cao đẳng, trung cấp hàng năm vẫn đầu tư rất nhiều tiền nhưng việc đào tạo không đạt hiệu quả gây lãng phí.

Nói thêm về thực trạng, đại biểu Phùng Anh Dũng cho biết: “Rất nhiều cử nhân ra trường viết một cái công văn hội nghị cũng không viết nổi. Điều này chứng tỏ học không gắn với hành. Tôi chưa thấy một đề án đào tạo nào mà các nhà trường đề ra yếu tố gắn liền với các doanh nghiệp để giải quyết tận gốc việc làm cho cử nhân sau ra trường?”

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Nhạ cho biết, việc đào tạo không gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động dẫn tới sinh viên ra trường phải đào tạo lại.

Theo ông Nhạ, chất lượng cử nhân thấp, không đạt yêu cầu sử dụng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố trong và ngoài nhà trường. Đối với nguyên nhân từ chính các trường ĐH, ông Nhạ cho biết, sắp tới, Bộ GD ĐT sẽ tiếp tục có những giải pháp siết chặt hơn đầu vào – đầu ra để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân.

“Chúng tôi đã nhận được báo cáo từ các trường ĐH, tất nhiên sau đó sẽ kiểm tra lại báo cáo này, hiện có 80% sinh viên ra trường có việc làm. Tuy nhiên, số 80% có việc làm chủ yếu tập trung ở các trường top trên, phần lớn số lượng cử nhân thất nghiệp ở nhóm trường top dưới, chất lượng chưa tốt. Chính vì vậy, tới đây việc quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ sẽ được siết mạnh hơn” – ông Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, hướng “siết chặt” sẽ là, nâng cao điều kiện mở trường, mở ngành; những trường yếu, kém sẽ được hỗ trợ theo hướng chuyển đổi trở thành phân hiệu, thành viên của các trường ĐH lớn, tạo sự liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo.

“Hiện nay, đã có một số nơi làm rất tốt điều này như tỉnh Lào Cai, không cho nâng cấp các trường ĐH, CĐ mà chuyền hướng thành phân hiệu. Ngoài ra, sau này sẽ phải phân luồng theo hướng, các triường ĐH chỉ nên tập trung ở Trung ương, không để ở địa phương nữa để dễ quản lý, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà” – ông Nhạ chia sẻ.

Ông Nhạ cũng cho biết thêm, xưa nay, ngành giáo dục mới chỉ quan tâm đến chất lượng đầu vào, chưa quan tâm đến chất lượng đầu ra: “Bộ sẽ siết chặt yêu cầu các trường phải báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm: Có báo cáo hay không báo cáo, báo cáo đúng hay sai? Tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu…Từ đó, Bộ sẽ “mạnh tay” đưa ra những giải pháp cho những trường đào tạo không hiệu quả” – ông Nhạ khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem