Thất nghiệp vì... ngại đi xa

Thứ hai, ngày 08/07/2013 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với tâm lý ngại xa gia đình, vợ con mà phần lớn học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đều thất nghiệp.
Bình luận 0

"Không đi làm xa đâu"

img
Học viên tham gia lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu.

Chúng tôi tới Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu khi lớp học sửa chữa xe máy đã mở được 2 tháng. Ở xưởng thực hành, hơn 20 chàng trai người Mông chăm chú học cách chữa "bệnh" cho xe máy. Cứ A Bảo (thôn km21, xã Trạm Tấu) cho biết: "Mình đã biết tháo lắp và sửa chữa các loại xe gắn máy. Học xong về có điều kiện thì mình mở tiệm, không thì mình sẽ đi làm thuê gần nhà. Mình có con nhỏ, không xa con được đâu".

Hờ A Lòng, thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì là một trong những thanh niên được coi là có "trình độ cao"- học hết lớp 9. Lòng muốn đi học nữa nhưng buộc phải nghỉ học vì nhà nghèo lại có đến 9 anh chị em. Khi được xã thông báo cho đi học nghề miễn phí, Lòng rất vui. Đến học tại trung tâm, ngoài được học miễn phí, em còn được hỗ trợ tiền ăn. Nhưng cũng như Bảo, Hờ A Lòng chia sẻ:

"Học còn 1 tháng nữa là xong nhưng mình vẫn chưa biết làm gì. Mở tiệm sửa xe thì khó vì không có tiền. Cạnh nhà mình đã có 1 anh đi làm ở Vĩnh Phúc. Mình cũng được các thầy tư vấn, học xong xin việc cho dưới đó, nhưng mình không đi đâu, xa lắm"- Hờ A Lòng nói.

Ông Hảng A Thào - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu cho biết: Thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, trung tâm đã tổ chức 3 lớp dạy nghề sửa chữa xe máy cho tổng cộng 75 học viên (mỗi năm mở 1 lớp). Thế nhưng, hầu hết tâm lý học viên đều ngại đi làm xa, vì vướng gia đình, vợ con. "Một khóa có 25 học viên thì chỉ may ra mới có 2 - 3 người nhận lời xuống Vĩnh Phúc đi làm"- ông Thào nói.

Khó thay đổi nhận thức

Các lớp dạy nghề sửa chữa xe máy ở huyện Trạm Tấu - dù rất xa xôi, nhưng đã thực hiện đúng mô hình gắn đào tạo với nhu cầu: Trước khi mở lớp, trung tâm liên hệ với Công ty Honda Việt Nam (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) để mời giáo viên lên dạy, và nhận học viên khi lớp học kết thúc. Thế nhưng, chính vì tâm lý ngại đi xa mà mô hình liên kết này gần như "phá sản".

Theo Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2013 - 2015 sẽ đào tạo khoảng 700 lao động/năm. Đơn vị này cũng sẽ lưu ý tới đặc điểm tâm lý của đồng bào vùng cao để chọn nghề cho phù hợp.

Thầy Nguyễn Bảo Khánh - giáo viên đứng lớp môn sửa chữa xe máy là kỹ sư của Công ty Honda Việt Nam bày tỏ: "Nếu các em chịu xuống Vĩnh Phúc làm việc, phía công ty sẽ tạo điều kiện chỗ ăn, ở và thời gian để các em về thăm gia đình hàng tháng… Mức lương đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng".

ẫu vậy, qua 3 năm, mới chỉ có 6-7 lao động từ Trạm Tấu đi làm và 3 người trụ lại làm lâu dài. Theo ông Thào, 3 lao động này đi làm với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/người/tháng, được hỗ trợ ăn ở, đóng bảo hiểm. "Em Mè Văn Hiếu (thôn Lìu 1, xã Hát Lìu) một trong số ít học viên mạnh dạn đi làm xa. Nhờ vậy mà gia cảnh nhà Hiếu không còn quá khó khăn như trước, các em được ăn học đầy đủ".

Một số ít thanh niên khác thì tính tới chuyện mở tiệm sửa xe. Như Lò Văn Hương, xã Hát Lìu. Em học nghề năm 2011, sau đó em làm thuê tại cửa hàng sửa chữa xe máy ở huyện, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa tích góp tiền, sau đó mở tiệm riêng, thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Hương cũng chia sẻ: "Trên địa bàn 1 xã chỉ cần 1-2 tiệm sửa xe là đủ, trong khi mấy khóa học vừa rồi có tới 70-75 người có nghề. Nếu không chịu đi làm xa thì chắc chắn là thất nghiệp hoặc lại quay về với ruộng nương thôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem