Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã chủ động tham gia nghiên cứu và ký kết với các đơn vị hỗ trợ nông dân trồng thanh long chuyển từ đèn sợi đốt sang đèn compact. Ảnh: Hứa Phương
Chong đèn cho hoa trái vụ
Trao đổi với NTNN, ông Phan Tấn Khế, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết cây thanh long đang phát triển mạnh, hiện tỉnh có khoảng 30.000ha, với sản lượng 500.000 tấn trái/năm. Trong đó có khoảng 70% diện tích thanh long, được người dân chong đèn để ra hoa trái vụ.
Khoảng chục năm qua, nông dân bắt đầu áp dụng phương pháp chong đèn nhưng chủ yếu là sử dụng bóng sợi đốt loại 60 – 75W để chong nên tốn nhiều điện năng, khiến chi phí sản xuất tăng, người dân có lãi nhưng ít, thậm chí lỗ nếu giá xuống dưới 10.000đ/kg.
Trước tình hình đó. Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận cùng Công ty bóng đèn Rạng Đông nghiên cứu thử nghiệm loại bóng đèn compact 20W ánh sáng vàng để thay thế.
“Lúc đầu thử nghiệm mình chọn 10 hộ, mỗi hộ 50 bóng để làm xem tỷ lệ ra hoa như thế nào, chất lượng trái ra sao và tiết kiệm được bao nhiêu điện so với dùng bóng sợi đốt thông thường. Sau khi có kết quả thử nghiệm thì Hội cùng các đơn vị trên phối hợp mở hội thảo khoa học gồm nhiều nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam... tham dự. Từ đánh giá của nhà khoa học và kết quả thử nghiệm thực tế, Hội Nông dân mới bắt đầu vận động các hộ trồng thanh long nếu có điều kiện thì chuyển sang chong đèn compact để tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất”, ông Khế nói.
Dù thực tế người trồng thanh long dùng bóng đèn compact mang lại hiệu quả tốt, tiết kiệm chi phí nhưng giá thành đầu tư ban đầu khá lớn nên việc nhân rộng còn gặp khó khăn.
Năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã ký kết chương trình phối hợp về việc triển khai đổi 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện để chong thanh long với Công ty Điện lực Bình Thuận, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Nhờ chương trình này nên những hộ trồng thanh long có nhu cầu chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang đèn compact sẽ được hội tư vấn và Điện lực Bình Thuận mua lại bóng tròn với giá 5.000đ/chiếc và hỗ trợ giá đối với bóng compact khi lắp.
“Nhờ cách làm đó nên đến nay có khoảng 70% diện tích trồng thanh long trong tỉnh Bình Thuận chuyển từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm điện. Việc chuyển đổi này không đơn thuần là giảm chi phí sản xuất thanh long mà còn góp phần tiết kiệm điện, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”, ông Khế cho biết thêm.
Cũng theo ông Khế, việc chong đèn compact sẽ tiết kiệm được 1/2 tiền điện so với đèn sợi đốt mà chất lượng thanh long ra hoa như nhau. Nếu sử dụng bóng sợi đốt để chong thì thanh long ra hoa đồng loạt, nông dân phải mất công lặt bỏ bớt, hơn nữa ở những đốt cây thanh long đã ra hoa thì vụ sau không ra nữa. Còn khi chong bằng đèn compact thì hoa ra ít hơn mà nông dân không mất công lặt bỏ hoa.
Nhờ dùng đèn conpact mà người trồng thanh long tiết kiệm được một nửa tiền điện so với đèn sợi đốt. Ảnh: Hứa Phương
Cây chủ lực
Ông Bùi Ngọc Lê, chủ cơ sở thanh long Lê Huân ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết gia đình hiện có 7ha thanh long, cho thu nhập chính từ Thanh Long trái vụ, tức là phải chong đèn để thanh long ra hoa.
“Hiện nay gia đình tôi đã thay thế được 6.500 bóng, số bóng cũ được điện lực Bình Thuận mua lại, nhờ vậy mà mình có thêm vốn để tái đầu tư. Sau khi chuyển đổi từ bóng sợi đốt qua bóng compact thì số điện chỉ còn một nửa so với trước. Hơn nữa tỷ lệ hư hỏng của bóng compact so với bóng đèn sợi đốt thấp hơn”, ông Lê nói.
Cũng theo ông Lê, nhờ tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà cụ thể ở đây là tiền điện, nên mỗi vụ thanh long trái vụ ông có thêm thu nhập.
Còn ông Trần Đình Tân, huyện Hàm Thuận Bắc, nhờ tư vấn của Hội Nông dân mà ông tham gia chương trình và được mua bóng compact với giá rẻ hơn thị trường. Với 1.200 trụ thanh long, trước đây dùng bóng sợi đốt thì ông phải trả 10 triệu đồng tiền điện mỗi vụ (tức khoảng 20 đêm thắp sáng) nhưng khi chuyển qua compact thì tiền điện chỉ còn một nửa.
“Thấy tôi làm có hiệu quả, sau đó những hộ khác đến tìm hiểu và tôi giới thiệu là chương trình của Hội nên họ tìm hiểu và tham gia. Đến nay đa số người trồng thanh long ở địa phương tôi đã và đang chuyển sang dùng bóng compact. Những hộ nào khó khăn chưa chuyển được hết thì họ cũng áp dụng theo tỷ lệ 7/3 (tức 70% diện tích chong đèn compact và 30% chong đèn sợi đốt) hoặc 5/5 chứ không dùng hoàn toàn bóng sợi đốt nữa vì chi phí cao”, ông Tân nói.
Ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao chương trình phối hợp của Hội Nông dân và cho biết những năm gần đây, đời sống của người trồng thanh long được nâng lên rõ rệt. Thanh Long không chỉ là cây trồng xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, mà còn giúp nông dân Bình Thuận làm giàu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.