Thầy cô giáo ở bản “nhiều không”: Học sinh biết chữ là vui!

Lê San Thứ sáu, ngày 18/11/2016 06:35 AM (GMT+7)
Ở những nơi còn muôn vàn khó khăn, từ đường sá tới cơ sở vật chất, nhưng tấm lòng nhiệt huyết, chăm lo cho các em học sinh không bao giờ cạn.
Bình luận 0

­­­

Thầy Bùi Văn Xuân -  giáo viên lớp 1 ở điểm trường Hà Xi - Hà Nê, xã Pa Ủ, Mường Tè (Lai Châu) chia sẻ: “Chỉ có học tập mới mở ra con đường cho học sinh La Hủ bắt nhịp với đời sống, từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Và thầy cô là điểm tựa chắp cánh cho các em”.

Ươm mầm cho tương lai

Để lên được các điểm trường Nhú Ma, Hà Xi – Hà Nê ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, phải vượt qua con đường dài lổn nhổn đá, đèo dốc uốn lượn, trời nắng bụi mịt mù, trời mưa trơn trượt. Nỗi vất vả lớn nhất hiện nay đối với các thầy cô chính là việc vận động trẻ đến trường. Cô giáo Lò Thị Thảo chia sẻ: 52 hộ ở Bản Hà Xi – Hà Nê – đều là đồng bào La Hủ. Nương rẫy  thường ở rất xa nên bà con dựng lán làm nương rồi ở lại đó cả tuần. Trẻ em được bố mẹ mang theo lên nương từ khi ẵm ngửa. Đến tuổi đi học, bố mẹ từ chối cho trẻ đến trường vì để ở nhà không ai trông.

img

Thầy cô giáo ở các điểm trường xã Hữu Khuông đưa đón học trò đi học bằng thuyền. Ảnh: L.S

Ở đây cuộc sống khó khăn lắm vì đường giao thông cách trở, muốn vươn lên thoát nghèo cũng khó. Để thoát nghèo được hay không, đều trông chờ ở thế hệ các em. Các em càng học lên sẽ càng thay đổi được nhận thức. Nếu không ra bên ngoài làm việc, các em cũng sẽ biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, thay đổi tư duy làm việc, giúp cho bản thân và gia đình”.

Cô Lương Thị Thắm – Hiệu phó Trường Mầm non Hữu Khuông

Cái khó của thầy cô giáo ở đây là bà con không nói được tiếng Việt, thầy cô giáo lại không biết tiếng La Hủ nên rất khó để nói cho phụ huynh hiểu. Người La Hủ cũng không có thói quen khai sinh cho con. Chính vì vậy, để các em được hưởng chế độ của Nhà nước dành cho học sinh DTTS, giáo viên lại phải đến từng nhà hỏi tên, ngày tháng năm sinh rồi đi làm giấy khai sinh cho trẻ.

Vận động học sinh đã khó, các thầy cô còn hết sức nhọc nhằn để học sinh nắm được kiến thức. Thầy Bùi Văn Xuân- giáo viên lớp 1 ở điểm trường Hà Xi - Hà Nê cho hay: “Các em đều không biết tiếng phổ thông, nên vừa dạy hôm nay, sáng mai kiểm tra, chữ thầy lại trả thầy. Nhiều lúc thấy buồn và bất lực, nhưng nếu mình không kiên trì, các em sẽ ngày càng tụt lùi. Người La Hủ ở Pa Ủ là một trong những dân tộc bị tụt hậu lại khá xa. Để thay đổi dân tộc mình, các em học sinh chính là hạt nhân trong tương lai. Những thay đổi dù nhỏ nhất của các em, lại là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực”.

Học sinh biết chữ là vui

Vào xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) chỉ có con đường duy nhất là đi thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ hơn 2 giờ đồng hồ. Các em học sinh nơi đây 100% là đồng bào DTTS. Ở đây không có chợ búa, chỉ có vài bản trung tâm có điện lưới, điện thoại nên cuộc sống của các thầy cô giáo cũng giống như người dân ở đây, chủ yếu tự cung, tự cấp. Sau mỗi buổi học, họ lại cùng nhau lên rừng hái măng, hái rau làm thức ăn. Còn các nhu yếu phẩm khác được mang từ thị trấn vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đi vào.

Theo cô Lương Thị Thắm – Hiệu phó Trường Mầm non Hữu Khuông: Trường có 163 em học sinh, 7 điểm trường, mới chỉ có điểm trường chính là kiên cố, còn lại đều bán kiên cố, 1 điểm trường còn chưa có lớp phải mượn tạm nhà dân. Khó khăn thế nhưng các thầy cô giáo vẫn vui, vẫn đầy nhiệt huyết mang con chữ đến với các em học sinh nơi đây. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem