Thấy đánh nhau không can ngăn, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Phi Long Thứ năm, ngày 11/07/2024 19:48 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Ngày 10/7, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản cá nhân mang tên "Mai Huỳnh" đăng tải clip hơn 1 phút ghi cảnh 2 cô gái đánh nhau dữ dội bằng tay.

Thông tin đăng kèm đoạn clip này kêu gọi mọi người chia sẻ clip vì cho rằng một trong 2 cô gái này đã chơi bẩn, khi đánh tay đôi nhau mà dùng dao lam gây thương tích cho đối phương.

Bối cảnh trong clip cho thấy lúc 2 cô gái đánh nhau, xung quanh có nhiều thanh niên đứng nhìn và 2 cô gái đánh nhau hơn 1 phút mới có người đến can ngăn. Hiện cơ quan chức năng huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang xác minh làm rõ thông tin trên.

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, tùy vào tình tiết chứng minh trong vụ việc mà cơ quan điều tra sẽ quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hay không. Trường hợp, nếu có căn cứ cho thấy họ cùng họp bàn (về việc đi đánh nhau) nghĩa là có sự cấu kết chặt chẽ với các thành viên trong nhóm bạn.

Thấy đánh nhau không can ngăn, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?- Ảnh 1.

Clip ghi cảnh 2 cô gái đánh nhau dữ dội bằng tay. Ảnh cắt từ clip.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò của những người đứng xem đánh nhau, xem họ có tham gia với vai trò giúp sức mặt về tinh thần hay không. Họ có đi cùng để gây thanh thế hoặc để động viên tạo điều kiện tinh thần cho những người khác trong nhóm thực hiện tội phạm.

Thêm nữa, Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

Như vậy, khi biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác thì người xem có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội không tố giác tội phạm. 

Trường hợp đánh nhau, gây thương tích dẫn tới việc một trong 2 bên ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, Cơ quan điều tra sẽ xem xét lúc đó khả năng của người xem trong việc cứu giúp người nguy kịch là như thế nào. 

Ví như sau khi  đánh nhau một người lăn ra bất tỉnh, người kia bỏ đi, người xem đứng im nhìn người bất tỉnh lịm dần đến chết thì người xem phải có trách nhiệm theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Luật sư Sơn cho hay, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích trường hợp đánh nhau gây thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và yêu cầu khởi tố của bị hại thì người phạm tội có thể chịu hình phạt tù lên đến 3 năm.

Nếu không thuộc trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự, hành vi đánh người bị xử phạt hành chính theo Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm b khoản 3 Điều 7).

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem