Thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn: Tăng giết mổ hiện đại đảm bảo an toàn thực phẩm

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 05/08/2020 13:51 PM (GMT+7)
Để nâng cao nhận thức giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng trong việc đa dạng thực phẩm bữa ăn hàng ngày, nhất là sử dụng thịt lợn an toàn, hôm qua (4/8), Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức hội nghị “Phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất thịt lợn”.
Bình luận 0

Đẩy mạnh chuỗi sản xuất và tiêu thụ

Năm 2019, do chịu thiệt hại nặng nề từ bệnh dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn cả nước bị giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm và tỷ trọng sản lượng các loại thịt hơi cũng có sự thay đổi đáng kể so với năm 2018.

Tăng giết mổ hiện đại đảm bảo an toàn thực phẩm  - Ảnh 1.

Người dân mua thịt lợn tại chợ Tứ Hiệp, Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Minh Ngọc

Hiện nay, tại Hà Nội đã có những mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt tiêu biểu, như chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Liên Việt (Phúc Thọ); Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Sóc Sơn; Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai...

Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đến tháng 6/2020 đạt gần 24,92 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân khoảng 5%/tháng.

Về thực trạng giết mổ lợn, theo định hướng của Cục Chăn nuôi năm 2020, tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 50% và 40%.

Hiện có khá nhiều cơ sở giết mổ lợn công nghiệp quy mô lớn đã và đang được xây dựng như của Công ty MNS MEAT Hà Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, công suất giết mổ 1,4 triệu con lợn mỗi năm; nhà máy giết mổ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP tại Chương Mỹ (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng, công suất giết mổ 4.000 con lợn/ngày.

Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều địa phương, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, kéo theo hoạt động giết mổ lợn nhỏ lẻ cũng chiếm tỷ trọng cao. Hầu hết các cơ sở giết mổ nằm rải rác ở khu dân cư, có cơ sở giết mổ chỉ vài con (3-5 con) mỗi ngày.

Tại các cơ sở giết mổ này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP) ở mức thấp (5%), hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi và gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Đối với thực trạng chế biến thịt lợn, hiện nay, so với thị trường thịt tươi truyền thống, thị phần sản phẩm chế biến còn rất khiêm tốn. Thời gian gần đây, ngành chăn nuôi bắt đầu chuyển mình khi một số doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu.

Tăng giết mổ hiện đại đảm bảo an toàn thực phẩm  - Ảnh 3.

Người dân mua thịt lợn bày bán trên phản thịt tại một chợ dân sinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: M.N

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có khoảng 30 công ty có nhà máy chế biến thịt công nghệ hiện đại, tổng công suất 500.000 tấn/năm. Một số doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu như: Tổng Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan); Công ty Animex; Công ty Thực phẩm Đức Việt; Công ty C.P, Công ty Mavin, Tập đoàn Dabaco, Công ty Japfa, Công ty Massan...

"Tại các mô hình này, hầu hết doanh nghiệp làm trọng tâm xây dựng chuỗi khép kín, do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm" - ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chia sẻ.

Thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn

Hà Nội với dân số trên 8 triệu dân, được đánh giá là thị trường tiêu thụ thực phẩm rất lớn, với khoảng 420.000 tấn thịt gia súc gia cầm mỗi năm, tương đương 1.130 tấn/ngày.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y Hà Nội cho biết, đại bộ phận người dân Thủ đô vẫn giữ thói quen sử dụng thịt tươi sống, bày bán ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Trong khi khâu kiểm soát thịt tươi sống ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, dễ nhiễm khuẩn ngay từ khâu giết mổ cho đến bày bán...

"Bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng" - ông Sơn cho biết.

Trước thực tế đó, ông Sơn khuyến cáo người tiêu dùng nên từng bước thay đổi thói quen sử dụng thịt tươi mát, được bảo quản trong các hệ thống làm mát, cấp đông ngay sau khi giết mổ. Còn ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội thì cho rằng, cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, thực hiện sản xuất theo hình thức chuỗi liên kết (bao gồm chuỗi khép kín và chuỗi hở) đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP cho tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Trong chuỗi, doanh nghiệp phải đóng vai trò làm trung tâm để kết nối với người sản xuất thông qua tổ hợp tác, HTX, hội ngành hàng, đầu tư xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem