Thấy gì từ cuộc đua huy động tỷ USD từ các định chế tài chính ngoại?

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 20/11/2022 09:30 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây trên thị trường tài chính, nhiều ngân hàng công bố hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế. Đáng lưu ý, quy mô gọi vốn ngoại của các ngân hàng ngày càng lớn.
Bình luận 0

Nóng cuộc đua huy động vốn từ các định chế tài chính lớn

Điển hình như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), nhà băng này thời gian qua gây chú ý khi bắt tay với HSBC trong giao dịch lịch sử 1 tỷ USD.

Cụ thể, HSBC Việt Nam cùng với một số định chế tài chính khác đã hợp tác cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 700 triệu USD, kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) thêm 300 triệu USD, dành cho Techcombank.

Giao dịch này là khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Khoản vay gồm ba cấu phần khác nhau, với các kỳ hạn 3 năm, 4 năm và 5 năm.

Tại thời điểm đó, đại diện Techcombank cho biết: "Vượt qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay, thành công của giao dịch huy động vốn lần này là minh chứng cho sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế đối với Techcombank và thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu còn rất nhiều khó khăn và thách thức".

Thấy gì từ cuộc đua huy động tỷ USD từ các định chế tài chính ngoại - Ảnh 1.

HSBC bắt tay Techcombank trong giao dịch lịch sử 1 tỷ USD.

Cũng theo vị lãnh đạo nhà băng này, sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để Techcombank thực thi thành công chiến lược phát triển của ngân hàng và cung cấp dịch vụ vượt trội đến các khách hàng.

Đáng chú ý, khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD này là giao dịch vay hợp vốn thứ ba của Techcombank chỉ trong vòng hai năm gần đây. Khoản huy động đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.

Tương tự, VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Khoản vay 150 triệu USD có kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở.

Hay như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD.

Trước khi nhận được khoản vay từ DFC, SeABank đã được Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các DN nhỏ và vừa, DN do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Gần nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ năm định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi ngân hàng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 vừa qua, từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

"Các nguồn vốn này sẽ giúp VPBank thúc đẩy các chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng SME, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội, cho phép các doanh nghiệp này tiếp cận với nguồn vốn chi phí tương đối thấp để phát triển", CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Thấy gì từ cuộc đua huy động tỷ USD từ các định chế tài chính ngoại - Ảnh 3.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ năm định chế tài chính lớn.

Siết chặt nguồn vốn huy động từ quốc tế

Giới chuyên gia nhận định, việc huy động dòng vốn ngoại sẽ giúp các nhà băng ổn định hơn trong cấu trúc huy động vốn, vì đặc thù tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, trong khi cho vay doanh nghiệp thường là kỳ hạn dài. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã giảm và theo lộ trình sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo về sự suy thoái, thị trường huy động vốn quốc tế cũng sẽ chịu những tác động nhất định.

Theo đó, thách thức của việc gọi vốn trên thị trường quốc tế là sự thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay. Chính vì vậy, quy mô tiềm năng, mức tăng trưởng cao của thị trường cùng chiến lược và phân khúc riêng của mỗi nhà băng là yếu tố để thu hút dòng vốn ngoại chảy vào.

Thấy gì từ cuộc đua huy động tỷ USD từ các định chế tài chính ngoại - Ảnh 4.

Xu hướng gọi vốn nước ngoài sẽ còn tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh vay nước ngoài của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có xu hướng tăng do tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Lo ngại dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu tổng hạn mức rút vốn ròng trung, dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được phê duyệt hàng năm. Vì vậy, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục đích soạn thảo Thông tư nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ, có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay đảm bảo các hạn mức, giới hạn vay nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm song vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; việc đảm bảo minh bạch chính sách cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định.

Từng bước áp dụng các biện pháp quản lý vay trả nợ nước ngoài hướng tới mục tiêu quản trị rủi ro, an toàn thận trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem