Thấy gì từ động thái hạ trần lãi suất cho vay và tiền gửi?

Lê Thúy Thứ ba, ngày 19/11/2019 08:15 AM (GMT+7)
Cả trần lãi suất cho vay và trần lãi suất tiền gửi bắt đầu hạ và áp dụng từ hôm nay (19/11) theo Quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Động thái này sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, xu hướng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông tin về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng Đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD); lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Theo đó, kể từ ngày hôm nay (19/11), lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi ngắn hạn bằng VND giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Hạ trần cả lãi suất cho vay và tiền gửi

Về lãi suất huy động, NHNN ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

img

Các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay  theo chủ trương điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Trước khi chính sách giảm lãi suất 1 ngày, ngày 18/11 đã có không ít ngân hàng thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi. Trong đó, lãi suất giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Đơn cử như tại VietinBank, lãi suất cao nhất hiện nay chỉ còn 6,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất này áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng đến trên 36 tháng.

TPBank cũng thay đổi lãi suất huy động ngay trong sáng (18/11), mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm.

Cụ thể, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 7,6%/năm. Trong khi trước đó, ở kỳ hạn này, TPBank áp dụng lãi suất lên tới 8,6%/năm cho khách hàng gửi từ 100 tỷ trở lên. Các kỳ hạn khác cũng trong xu hướng giảm, mức điều chỉnh từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.

Trong khi đó, cuối tuần trước, VPBank cũng đã công bố biểu lãi suất mới, giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của nhà băng này chỉ còn 7,6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất này áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng, khi gửi từ 5 tỷ trở lên.

Ngoài ra, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 6,95%-7,15%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm.

Thực tế cũng cho thấy, sau cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động và bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi", từ đầu tháng 11 cho đến nay, đã xuất hiện một vài ngân hàng chủ động giảm 0,1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động. Đặc biệt, không chỉ các ngân hàng tư nhân, hai ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV và Vietcombank cũng điều chỉnh giảm. Trong đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng của BIDV giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; lãi suất tại 2 kỳ hạn này ở Vietcombank đều giảm còn 4,5%/năm.

img

Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên

Cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động, NHNN cũng ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Chiều muộn ngày 18/11, "ông lớn" Vietcombank đã "bắn phát súng" đầu tiên về việc giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp.

Cụ thể: Đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên của các doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống mức tối đa là 5,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn hiện hữu, đưa lãi suất về mức thấp hơn 1,5%/năm so với qui định của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là lần giảm thứ 3 trong năm 2019, Vietcombank giảm lãi suất đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Đối với các khoản vay thông thường của các doanh nghiệp, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019.

Bên cạnh đó, ngân hàng tư nhân đầu tiên là MSB cũng phát thông báo giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.

Xu hướng lãi suất chỉ trong ngắn hạn?

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, quyết định hạ trần cả lãi suất cho vay và tiền gửi kể từ ngày hôm nay 19/11 của NHNN dựa trên những điều kiện thuận lợi như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm, so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%.

Thứ hai, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái tương đối dồi dào khi tăng trưởng tín dụng có chiều hướng chậm lại do nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng tín dụng đã được NHNN cho phép. Trong khi đó, nguồn vốn huy động vẫn tiếp tục ổn định và luôn duy trì ở mức cao hơn so với cho vay. Tính đến ngày 20/9, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 8,68%, cao hơn mức tăng tín dụng 8,4%.  Các chuyên gia thừa nhận, đây được xem là điều kiện hỗ trợ đắc lực cho sự dồi dào của thanh khoản ngân hàng ngay từ đầu tháng 9/2019 cho tới nay.

img

Đặc biệt, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Nhờ đó, NHNN tăng cường mua ngoại tệ để dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục mới lên tới 73 tỷ USD. Chưa kể, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh với việc giải ngân vốn lên tới 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán cùng hàng loạt thương vụ M&A, cổ phần hóa, thoái vốn… và việc tăng cường giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm giúp cung tiền dồi dào, thanh khoản tiền đồng có thể tiếp tục được hỗ trợ.

Còn theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, việc NHNN điều hành giảm lãi suất và các NHTM chủ động cắt giảm lãi suất huy động và cho vay là do nguồn vốn khả dụng của nhiều ngân hàng đang rất dư thừa do các lĩnh vực cho vay có độ rủi ro cao thì phía nhà điều hành lại siết rất mạnh nên không thể giải ngân nhiều.

Nguồn vốn khả dụng tại một số ngân hàng lớn đang đổ dồn tại công cụ mua, bán ngắn hạn các giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước. Có những phiên giao dịch trên thị trường mở, phía nhà điều hành chỉ chào thầu 1 nhưng khối lượng đặt thầu lại gấp 10 lần.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có khoảng 14 ngân hàng nhỏ thường xuyên rơi vào tình trạng thanh khoản yếu. Và từ nay đến hết năm là thời điểm nhu cầu chi trả cao, những ngân hàng yếu thanh khoản thì chỉ còn cách đẩy lãi suất cao; việc vay mượn trên liên ngân hàng cũng không dễ vì một số định chế lớn chuyên cung vốn trên đó luôn đòi hỏi tài sản bảo đảm và lãi suất cao. Rất dễ xảy ra tình trạng ngân hàng nhỏ lại dẫn dắt cuộc đua lãi suất huy động, vì nếu ngân hàng lớn còn hứng thú thì sẽ không huy động được.

Vì vậy, yêu cầu buộc giảm lãi suất huy động là cần thiết để hy vọng các ngân hàng lớn không mặn mà với cuộc đua. Từ đó, 14 ngân hàng nhỏ trên có thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ và giảm lãi suất cho vay.

img

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận, mặt bằng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới

Cũng phải thừa nhận rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động này nằm trong hướng phát triển của mỗi ngân hàng cũng như nằm trong chủ trương giảm lãi suất chung từ phía nhà điều hành. “Tuy nhiên, với động thái giảm lãi suất từ phía nhà điều hành và giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay của các NHTM thì trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank nhìn nhận.

Còn theo một chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm theo sự điều hành của NHNN, tuy nhiên theo quan diểm cá nhân của vị chuyên gia này, mục tiêu giảm lãi suất cho vay lần này của NHNN chủ yếu là để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đây là mục tiêu ngắn hạn, đồng nghĩa rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng chỉ giảm trong ngắn hạn.

Còn theo một báo cáo trước đó được công ty chứng khoán SSI đưa ra, nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020. Còn với năm 2019, lãi suất sẽ khó giảm bởi nhu cầu huy động vốn cuối năm 2019 của các ngân hàng vẫn cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem