Thầy giáo "mê" trẻ và hạnh phúc trên đỉnh đèo mây

Chủ nhật, ngày 24/02/2013 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là con trai nhưng tôi luôn mơ ước được gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ. Đó là lý do để sau ngày tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ và trở thành nam sinh viên đầu tiên của khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng.
Bình luận 0

Mồ côi cha từ thuở mới lọt lòng, lên 4 tuổi, một cơn sốt ác tính đã cướp đi sức mạnh chân trái của tôi. Nhà nghèo neo người, thương mẹ nên tôi chăm chỉ và học giỏi. Là con trai nhưng tôi luôn mơ ước được gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ. Đó là lý do để sau ngày tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ và trở thành nam sinh viên đầu tiên của khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng.

Vượt qua không ít khó khăn, vất vả, sau 3 năm ở giảng đường, tôi đã được nhận bằng loại ưu năm 2007, đủ tiêu chuẩn xin về dạy tại một trường ở khu vực trung tâm. Một lần nữa tôi lại khiến bạn bè, người thân ngỡ ngàng khi xung phong về dạy ở điểm lớp mầm non trên đỉnh đèo mây Nà Đuốn, nơi quanh năm gió thổi ù ù, sương mù bao phủ.

Quả thực cảm giác ban đầu khi vừa đến nơi công tác, tôi đã chùn chân, không phải vì đèo dốc trơn trượt, quanh co thách thức đôi chân tập tễnh mà bởi sự thiếu thốn đến lặng người của điểm lớp mầm non Nà Đuốn. Không điện, không nước, lớp học vách nứa hở toang hoác, bàn ghế xộc xệch, đồ chơi cho trẻ chỉ là vài ba hình hoa quả, hình con thú. Chính những ánh mắt đen láy đáng yêu của mấy chục đứa trẻ; sự chân tình, mộc mạc của bà con nơi đèo mây này đã níu tôi ở lại.

img
Thầy Chuyên và những học trò nhỏ của mình.

Nhà ở dưới thị trấn, sáng tinh mơ tôi đeo cặp lồng cơm đi xe máy gần 20 cây số tới lớp, những ngày mưa đường trơn trượt, xe phải gửi dưới chân núi rồi cuốc bộ lên đỉnh mới kịp giờ. Dạy dỗ trẻ đã khó, với trẻ em vùng cao nơi đây còn vất vả gấp nhiều lần bởi hầu hết các cháu không biết tiếng phổ thông. Ngoài thời gian dạy, tôi phải vào tận bản để học tiếng địa phương. Có lẽ sự gần gũi ấy mà theo thời gian, bà con ai cũng coi tôi như người nhà, có việc gì cũng mời, bó măng, mớ rau cũng băng rừng đem tới cho thầy...

Nhớ những ngày mưa gió mù trời, nước hắt vào lớp, nền đất thành vũng lầy, sau cả chục lần đề nghị, tôi đã xin được chính quyền xã hỗ trợ cho 2 bao xi măng và huy động dân bản góp sỏi đá để tôn cao, láng nền lớp cho khỏi bẩn.

Xuân Quý Tỵ này tôi bước sang tuổi 30, con gái đã hơn 2 tuổi. Dù được tạo điều kiện để chuyển công tác về gần nhà nhưng tôi đã từ chối. Chẳng thế mà khi vui vợ vẫn đùa rằng: Hình như đất và người Nà Đuốn đã bắt mất hồn của anh rồi...

Thầy giáo Nông Văn Chuyên - điểm lớp Nà Đuốn, Trường Tiểu học xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem