'Thầy giáo hotboy' kiêm Tiktoker 'triệu view': 'Học online là một thiệt thòi lớn cho học sinh'
'Thầy giáo hotboy' kiêm Tiktoker 'triệu view': 'Học online là một thiệt thòi lớn cho học sinh'
M.T
Thứ ba, ngày 28/12/2021 18:00 PM (GMT+7)
Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao với loạt thông tin về thầy giáo dạy Mỹ thuật có gương mặt đẹp như 'nam thần' Hàn Quốc. Nhưng cũng có nhiều bình luận tỏ ra nghi ngờ liệu sự nổi tiếng bất ngờ này có gây ảnh hưởng đến công việc giảng dạy của thầy Dương Phúc (nickname DuPu) hay không.
Thầy giáo Dương Phúc cho biết, trở thành nhà giáo là giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời mình. Khi được một số trang mạng đăng ảnh, liên hệ phỏng vấn thì thầy thấy vui vui chứ không nghĩ mình nổi tiếng.
"Tôi chơi Tiktok chỉ nghĩ là để giải trí, tạo năng lượng tích cực cho mọi người cũng như các em học sinh, chứ không nghĩ sẽ được nhiều người biết đến hay quan tâm như hiện tại. Tất nhiên là sau khi lên báo và kênh Tiktok được nhiều lượt theo dõi thì tôi cũng được nhiều người nhận ra khi ra đường nhưng công việc vẫn vậy, không có nhiều sự xáo trộn.
Tôi vẫn là "thầy Phúc Mắt Híp" ngố tàu nhưng tràn đầy tình yêu nghề "gõ đầu trẻ" thôi", thầy Phúc chia sẻ.
Điều gì ở việc dạy học đem đến cho Phúc nhiều động lực đến như vậy?
-Tôi nghĩ rằng nhà giáo không chỉ dạy cho người khác kiến thức mà còn là người truyền lửa, đánh thức và giúp các em học sinh nhận ra những tố chất, khả năng đặc biệt của mình. Nhìn ở một góc độ như thế để thấy nghề giáo cao quý và đáng trân trọng vô cùng, do đó tôi thật sự rất yêu công việc mình đang làm, sự thành công và tình yêu của học trò là động lực lớn nhất để mình lên lớp mỗi ngày.
Mùa dịch vừa qua nhiều thầy cô và học sinh than thở về việc phải dạy - học online, Phúc nghĩ sao về điều này?
-Đúng vậy, dạy và học online nói tiện thì có cái tiện với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những người bận rộn. Tuy nhiên, việc học online theo tôi đối với học sinh là một sự thiệt thòi lớn, đối với thầy cô giáo cũng có nhiều áp lực, thử thách. Bởi không phải môn học nào cũng hiệu quả khi dạy online, đặc biệt đối với những môn thiên về năng khiếu, đòi hỏi phải sử dụng nhiều giác quan, thể lực và thẩm mỹ như Mỹ thuật, Âm nhạc hay Thể dục...
Giả dụ như với môn Mỹ thuật, tôi muốn dạy học trò lực tác động của cọ vẽ lên giấy hay chất liệu nào đó mà dạy trực tiếp phải cầm tay làm thử bên ngoài cho trẻ thấy, chưa chắc đứa trẻ đã cảm nhận được ngay, huống chi là nói qua màn hình máy tính.
Thời gian dịch, không thể gặp học trò ở trường như mọi ngày hẳn Phúc rất buồn?
-Tôi thèm được đứng lớp, cầm tay chỉ dạy cho từng học sinh. Mỗi lần phải dạy online, không chỉ mình tôi mà gần như tất cả các giáo viên điều cảm thấy vất vả và áp lực hơn nhiều lắm. Vì rất lo lắng không biết phải cố gắng như nào để các em học sinh có thể hiểu trọn vẹn và học hiệu quả như kiểu học trực tiếp.
Nên vì vậy tôi phải luôn sáng tạo ra các phương pháp học mới để cho học sinh thích thú hơn khi học online. Làm một thầy giáo trẻ áp lực bình thường là 1 thì làm thầy giáo chủ nhiệm lớp áp lực lên tới 10.
Hàng ngày, ngoài giờ dạy bộ môn của mình ra, tôi còn phải trực tiếp theo dõi học sinh lớp mình học hành thế nào ở các môn học khác, xem học sinh lên học có đầy đủ hay không, các em có hiểu bài hết không. Rồi làm học bạ, hồ sơ cho học sinh… Nói chung là cũng khá mệt đấy, nhưng bù lại khi thấy học sinh mình học tốt thì tất cả mệt mỏi điều tan biến.
Phúc muốn gửi gắm điều gì đến các học sinh cũng như người yêu mến mình trên mạng xã hội không?
-Nếu được thì tôi muốn nhắn gửi đến các học trò của mình là hãy cùng với các thầy cô cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, đầy thử thách này. Thời học sinh rất ngắn nhưng cũng rất đẹp, chúng ta đừng vì những khó khăn hay trở ngại nhất thời mà chùn bước hay có ý nghĩ làm cho có, cho qua.
Làm người thì dù là làm gì cũng phải đến nơi đến chốn, làm hết mình để khi nghĩ lại không phải hối hận tại sao quá khứ mình đã không thể làm tốt hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ tích cực, đầy lạc quan và nhiệt huyết của thầy giáo trẻ Nguyễn Dương Phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.