Stress khi dạy online: Giáo viên cần làm chủ cảm xúc hơn!

Tào Nga Chủ nhật, ngày 21/11/2021 12:56 PM (GMT+7)
Thời gian dạy học online kéo dài khiến nhiều giáo viên rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm", thậm chí áp lực dẫn đến stress, trầm cảm.
Bình luận 0

Giáo viên stress khi dạy học online

Năm học 2021-2022 đã trôi qua được 2,5 tháng và đây cũng là khoảng thời gian giáo viên ở một số nơi chỉ được gặp học sinh qua... màn hình máy tính. Do dạy và học online nên có rất nhiều khó khăn không chỉ đối với học sinh, mà còn với các thầy cô. Về vấn đề này báo Dân Việt đã đăng tải trong bài viết Nỗi niềm giáo viên: Tưởng trầm cảm khi dạy online, vợ chồng căng thẳng.

Vì sao giáo viên stress khi dạy học online? Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Đỗ Thái Đăng, giám đốc Công ty Giáo dục nhân tài Đất Việt cho biết: "Giáo viên rất dễ bị áp lực khi chuyển đổi môi trường giáo dục từ trực tuyến sang trực tiếp trong thời gian dài".

Anh Thái Đăng phân tích, do giáo viên phải thay đổi toàn diện từ cách trình bày, tương tác tạo cảm hứng, ghi nhận khuyến khích; Mất cân bằng giữa gia đình, công việc, ảnh hưởng nề nếp sinh hoạt, văn hóa gia đình; Thách thức đến từ việc ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học; Việc hạn chế đồng hành từ bố mẹ vì phụ huynh bận rộn không dành đủ thời gian đồng hành cùng con, phối hợp với cô hoặc có đồng hành thì khả năng kiên nhẫn và cách hướng dẫn học bài của bố mẹ chỉ đáp ứng phần nào.

Giải tỏa stress cho giáo viên khi dạy học online, tránh áp lực dẫn đến tăng xông, trầm cảm - Ảnh 1.

Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội trong buổi dạy online. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn phải đối mặt với các tình huống học sinh nghịch ngợm, hiếu động, thiếu tập trung do đang "tuổi ăn, tuổi lớn". Cô thì cô gắng chia sẻ, truyền đạt kiến thức nhưng học sinh thì bỏ máy đi ngủ, đi chơi. Thay vì nhìn học sinh trực tiếp thì giáo viên có lúc nhìn camera chỉa lên nóc nhà hoặc màn hình đen xì. 

Cũng có tình trạng khác nữa là giáo viên nói nhưng học sinh không làm. Cho dù thầy cô dặn dò kỹ lưỡng nhưng học trò không chịu làm bài, thậm chí còn nói dối bố mẹ và thầy cô là không có bài, đã làm rồi. Các em bị phân tán nhiều bởi các mạng xã hội online như game online, yotube, facebook, tik tok... Những lý do trên khiến giáo viên nhiều lúc giáo viên "lực bất tòng tâm".

Làm thế nào để giải tỏa áp lực cho giáo viên

Chia sẻ về giải pháp giúp giáo viên giải tỏa stress khi dạy online trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, anh Đỗ Thái Đăng cho hay: "Có lẽ khi đối diện với thử thách, càng khó khăn lại càng vinh quang. Vì vậy, giáo viên phải xác định vượt qua chính mình, xem khó khăn là cơ hội để vượt lên và nâng cao giá trị bản thân, kỹ năng nghề nghiệp để trở thành giáo viên xuất sắc hơn.

Ngoài ra, giáo viên cần thấu hiểu và cảm thông cho học trò và phụ huynh. Tin rằng chúng ta đã làm tốt nhất trong những nguồn lực mà chúng ta đã có và mọi sự thay đổi sẽ bắt đầu từ hôm nay.

Giáo viên cũng cần học kỹ năng làm chủ cảm xúc: Cơn tức giận hoàn toàn có thể giải tỏa được. Kìm nén cảm xúc tức giận giống như tích lũy thuốc nổ vào 1 kho. Vì vậy điều đúng đắn chúng ta nên làm đó là chuyển hóa cảm xúc, tìm ra ý nghĩa tích cực sau mỗi vấn đề. Ví dụ dạy học online ở nhà vất vả nhưng bù lại có thời gian gần gũi gia đình nhiều hơn. Học trò không bật camera thì ý nghĩa tích cực rằng đây là cơ hội để mình thấu hiểu các con nhiều hơn, có thể các con ngại, có thể con sợ do bạn bè chụp ảnh rồi đăng lên mạng trêu chọc.

Giải tỏa stress cho giáo viên khi dạy học online, tránh áp lực dẫn đến tăng xông, trầm cảm - Ảnh 2.

Chuyên gia giáo dục Đỗ Thái Đăng. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, giáo viên cần tập trung vào giải pháp trước mọi biến cố và thách thức. Thầy cô nhận ra rằng điều quan trọng nhất để các vấn đề khó khăn biến mất là tìm cách giải quyết triệt để thay vì chán nản hay than thở. Ví như có trường hợp học sinh thường xuyên không vào lớp, không bật camera sau hàng chục lần nhắn tin và gọi điện, gọi điện cho bố mẹ thì đi làm xa không nắm được thông tin cụ thể... thì cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao.

Thêm nữa, cao trào của cảm xúc thường chỉ kéo dài trong 5-15 giây và chu kỳ cảm xúc cũng sẽ lắng sau vài phút. Vì vậy thầy cô có thể tận dụng chu kỳ này để thay đổi trạng thái bằng cách đi ra chỗ khác, dừng lại không thể hiện cảm xúc và lời nói khi cao trào để tránh các giây phút "bùng nổ không kiểm soát".

Sử dụng ngôn ngữ tích cực trong giảng dạy thay thế cho các ngôn từ chưa tích cực cũng là một trong những giải pháp. Ví dụ: Khi nói "Em lười quá" thì thầy cô có thể chuyển thành "Cô tin rằng em là người chăm chỉ và em chắc chắn sẽ tiến bộ hơn khi em cố gắng".

Mỗi một tuần học mới thầy cô có thể cho cả lớp chia thành các nhóm nhỏ "tưới hoa" cho nhau bằng các lời khen, sự ghi nhận của các bạn dù là những cố gắng nhỏ nhất. Từ đó tạo ra môi trường tràn đầy niềm vui và tình yêu thương để lôi cuốn các con tích cực và chủ động tham gia lớp học.

Hãy tin rằng chúng ta đã làm tốt nhất và các con cũng đã làm tốt nhất trong bối cảnh hiện tại với tình yêu nghề, với trách nhiệm và với kỹ năng của mình. Thêm một chút nữa hi vọng và thêm một chút nữa kiên nhẫn với các con và với hành trình giáo dục của chính mình. Mọi hành động xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Điều cuối cùng, cha ông ta vẫn nói "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Dù khó khăn hay thuận lợi xin thầy cô hãy luôn nở một nụ cười để bình an vượt qua mọi thử thách". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem