Giáo dục hot nhất: Tin mới vụ nữ hiệu trưởng phát tán "ảnh nóng" của thầy hiệu phó
Giáo dục hot nhất: Tin mới vụ nữ hiệu trưởng phát tán "ảnh nóng" của thầy hiệu phó
A.T
Chủ nhật, ngày 27/02/2022 11:29 AM (GMT+7)
Kết luận mới nhất vụ nữ hiệu trưởng phát hiện “ảnh nóng” của thầy hiệu phó; xôn xao âm p (pờ) bị bỏ khỏi sách giáo khoa lớp 1; nữ sinh học giỏi nhảy lầu… là những thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua.
Kết luận mới vụ nữ hiệu trưởng phát hiện "ảnh nóng" của thầy hiệu phó
Theo kết luận thanh tra trách nhiệm của Hiệu trưởng trường THCS-THPT Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh) mà ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GDĐT vừa ký ban hành, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo (khi là hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh Thắng) chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức và hoạt động của các tổ chuyên môn; việc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn không đúng quy định của điều lệ trường trung học.
Hiệu trưởng đã không quản lý được nề nếp, chất lượng sinh hoạt của các tổ chuyên môn, không phát hiện và không xử lý việc tổ Tiếng Anh nhiều tháng liền không họp, không sinh hoạt chuyên môn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo cũng chưa thực hiện đầy đủ quy định về dạy thêm, học thêm, thu tiền của học sinh; quản lý tài chính tại đơn vị và thực hiện chưa đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, bà Thảo trong quá trình xử lý hình ảnh nhạy cảm (của hiệu phó Tr.Q.Tr.-PV) chưa khéo léo, chưa linh hoạt"…
Những người quan tâm đến giáo dục xôn xao trước thông tin sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không dạy học sinh âm p (pờ).
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tác giả đã hoàn toàn loại bỏ âm p (pờ) ra khỏi chương trình học".
Trước những thắc mắc của dư luận cũng như giáo viên, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, dư luận đang hiểu lầm giữa chữ p và âm p: "Xin khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GDĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định "cứng", không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ p qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ p không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ p là hoàn toàn không có cơ sở.
Tại Hà Nội, liên quan đến thông tin học sinh lớp 1-6 nội thành Hà Nội đi học trở lại từ ngày 1/3 như một số báo đã đưa tin, trao đổi với PV, Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định Sở chưa có chủ trương cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành đi học trở lại từ ngày 1/3.
Ông Tiến khẳng định: "Việc đưa học sinh trở lại trường học luôn được Sở GDĐT Hà Nội nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt, trong đó đặc biệt quan tâm đến diễn biến thực tế của dịch Covid-19 trên địa bàn và công tác chuẩn bị của các địa phương, nhà trường với phương châm được đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh".
Tại TP.HCM, từ ngày 22/2, mạng xã hội loan truyền thông tin "Học sinh TP.HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GDĐT TP HCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?".
Trước thông tin này, lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM khẳng định đây là thông tin giả mạo, hiện tại ngành GDĐT TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra.
Tại phiên giải trình về việc Thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng 25/2, Bộ GD ĐT cho biết, ngành giáo dục hiện thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT).
Nguyên nhân của việc thừa giáo viên, theo Bộ GDĐT, là do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương (đặc biệt là ở cấp huyện); chưa giải quyết tốt vấn đề sắp xếp, điều chuyển giáo viên dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục. Việc huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp tăng cao để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa sát với thực tế hoặc chưa kịp thời...
Forbes rút tên Ngô Hoàng Anh khỏi danh sách Under 30
Tuần qua, Forbes Việt Nam ra thông báo chính thức rút tên Ngô Hoàng Anh khỏi danh sách những gương mặt trẻ tiêu biểu dưới 30 tuổi - Under 30 năm 2022 do tạp chí này bình chọn.
Forbes Việt Nam cho biết sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh, bao gồm tinh thần truyền cảm hứng của danh sách, nguyện vọng qua email của Ngô Hoàng Anh gửi đến tòa soạn, Forbes Việt Nam quyết định rút Ngô Hoàng Anh ra khỏi danh sách Under 30 năm 2022.
Ngô Hoàng Anh - nhân vật trẻ tuổi nhất được vinh danh trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022 bị tố "gạ tình" nhiều nữ sinh 15-17 tuổi cách đây vài năm.
Lùm xùm của Ngô Hoàng Anh đã khiến nhiều gương mặt của Under 30 phản đối và xin rút tên khỏi danh sách Forbes Under 30 gồm Đỗ Anh Thư, Đặng Anh Dũng và Hà Lệ Diễm.
Thầy giáo bị tố dâm ô học sinh gây bức xúc
Chiều 26/2, ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng GDĐT thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cho biết sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Nhị Đồng.
Theo ông Phúc, trưa 24/2, phụ huynh một học sinh lớp 2 tại trường này đến gặp hiệu trưởng, báo lại việc ông N.T.T., giáo viên chủ nhiệm, có hành vi dâm ô đối với con gái.
Phòng GDĐT chỉ đạo trường tạm đình chỉ giảng dạy đối với ông N.T.T., phân công giáo viên khác dạy lớp đó thay ông T. Mọi việc đang chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Một học sinh nữ Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM, đã nhảy lầu trong buổi học sáng 21/2. Rất may, nữ sinh này chỉ bị chấn thương phần mềm, không bị ảnh hưởng đến tính mạng.
Thông qua bạn bè cùng lớp, nhà trường được biết nữ sinh này sống cùng bà nội chứ không sống cùng cha mẹ. Em cũng có dấu hiệu trầm cảm từ trước, từng chia sẻ với bạn bè có ý định định tự tử. Được biết, nữ sinh có học lực giỏi nhiều năm liền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.