“Thầy giáo” khiếm thị dạy nông dân hát chèo

Mỵ Lương Thứ hai, ngày 27/07/2015 06:50 AM (GMT+7)
Nhờ học hỏi qua chiếc đài cũ nên mặc dù khiếm thị, anh Nguyễn Văn Liên ngoài biết hát văn còn thuộc đến hàng trăm làn điệu chèo. Anh tự biên soạn, đạo diễn hàng chục vở chèo để phục vụ cho “sân khấu” của những người nông dân.
Bình luận 0

Nghèo hai con mắt...

Nếu không hẹn trước với anh Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Ninh Giang (Hải Dương), có lẽ chúng tôi khó có thể gặp anh. Bởi ngoài tham gia công việc trong Hội Người mù, anh Liên còn tay năm tay mười, đắm mình trong những hoạt động văn hóa văn nghệ tại nhiều địa phương. Tìm đường đến nhà anh Liên không khó vì hỏi đến tên nghệ sĩ mù có tài văn nghệ tại xã Hoàng Hanh (Ninh Giang, Hải Dương), người dân nơi đây ai cũng biết. Có người nhiệt tình dẫn chúng tôi đến trước cửa nhà anh kèm theo nhắc nhở: “Phải gọi là thầy giáo Liên mới đúng. Mọi người được học tập bài bản tất cả là nhờ thầy Liên chỉ dạy và xây dựng phong trào”.

img

Có thời gian rảnh rỗi, nghệ sĩ mù lại say sưa tập chơi nhạc cụ truyền thống.  Ảnh: Mỵ Lương

Đón tiếp chúng tôi trong sự niềm nở, anh Liên cười sảng khoái: “Thật may khi làm xong nhạc cho vở chèo “Hoạn Thư ghen” của thôn Hữu Chung (xã Tân Phong, Ninh Giang) tôi mới ốm, nếu việc bỏ giữa chừng tôi sốt ruột chẳng yên, có khi còn đổ bệnh thêm”.

Nói chuyện với người nghệ sĩ “nghèo hai con mắt” mới thấy rõ được nghị lực, tình yêu đối với văn nghệ trong con người “tàn mà không phế” này. Với giọng trầm buồn, anh Liên nhắc đến “cú sốc” tinh thần vào năm 29 tuổi khi nhận kết luận của các bác sĩ rằng căn bệnh thoái hóa võng mạc mà anh mắc phải vô phương cứu chữa. “Lúc mới bị hỏng mắt, tôi buồn ghê lắm. Sau đó, tôi tìm được niềm vui sống từ chiếc đài cũ và cũng nhờ chiếc đài mà tôi ham thích văn nghệ” - anh Liên nhớ lại.

Những bài dạy hát chèo, hát dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam được anh Liên ghi âm lại và chăm chỉ học theo. Bây giờ, người nghệ sĩ mù thuộc và hát được hàng trăm làn điệu chèo nhờ “thầy đài” dạy. Cách học duy nhất của anh là bắt buộc nhớ từ lời đến giai điệu bài hát, cách luyến láy, âm điệu thiết tha sâu lắng của từng điệu chèo cổ. Không chỉ dừng lại ở hát chèo, anh Liên còn tập luyện hát văn và tự tìm hiểu cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam, sáo.

Ban đầu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Liên sử dụng những nhạc cụ do bản thân tự chế. Anh chia sẻ “bí quyết” làm chiếc đàn nhị thô sơ: Đục hai đầu của chiếc ống bơ, sau đó bắt một con cóc lột lấy da rồi bưng vào một đầu lại, tiếp tục đến công đoạn đục thân của ống để làm cần và khoan khóa. “Khi kéo nhị cảm thấy thuần thục, tôi mới vay mượn tiền mua chiếc nhị thật. Tham gia vào đội văn nghệ, thấy có người kéo nhị rồi thì tôi lại học thổi sáo và chơi đàn nguyệt…Tôi vẫn phải học hỏi thêm từ các cụ cao niên, khi nắm vững rồi lại dạy cho những người chưa biết” - anh Liên cho hay

Đạo diễn chèo của làng

Từ việc thấm nhuần những giai điệu chèo cổ như: Đường trường vị thủy, Sa lệch chênh, Luyện năm cung, Du xuân... “thầy” Liên tập đặt lời mới và tự sáng tác các kịch bản chèo. Điều khiến chúng tôi khâm phục nữa là anh từng đạo diễn hàng chục vở chèo tại nhiều địa phương. Những buổi tập của các diễn viên đều tập chay, chỉ gần đến ngày biểu diễn mọi người mới tập trên loa đài.

Anh Liên tâm sự: “Quan trọng là phải lắng nghe nhân vật hát để xác định người nói ở chỗ nào, nghe động tác của họ ra sao. Không ít lần nói mãi mà diễn viên vẫn không hiểu ý của đạo diễn, mỗi lần như vậy tôi lại nhờ bà xã ra phụ giúp chỉ dẫn họ những chi tiết nhỏ ví dụ như: Trời cao, mây trắng mình định hướng cho họ nhìn lên... Nghĩ cũng hài hước vì mình không thấy đường lại chỉ dạy cho người sáng mắt”.

Những tác phẩm được nghệ sĩ mù “tự biên, tự diễn” đã không ít lần khiến khán giả trầm trồ khen ngợi mỗi lần sân khấu sáng đèn. Trong đó  vở diễn “Đất ấm tình người” đoạt giải Nhất khi tham gia Liên sân khấu không chuyên huyện Ninh Giang năm 2012. Đây cũng là tác phẩm mà anh Liên tâm đắc nhất, nói về người nông dân mạnh dạn phát triển kinh tế bằng mô hình VAC. Rồi những vở “Chuyện ở làng tôi”, “Tiếp bước cha anh”… kể những mẩu chuyện đời thường. Tất cả những sáng tác đều được thầy giáo mù cảm nhận không phải bằng đôi mắt mà bằng trái tim.

Bà Hoàng Hải Lý (Câu lạc bộ Văn nghệ Hội Người cao tuổi xã Hoàng Hanh) cho hay: “Dạy cho chúng tôi không công  xá gì nhưng vợ chồng thầy Liên luôn tâm huyết, nhiệt tình hiếm có. Bất kể trời mưa gió, bão bùng hay ngày nắng đổ lửa, vợ chồng thầy đều đến hội trường dạy văn nghệ hoặc có khi nào chúng tôi cần là có thể đến tận nhà thầy Liên để học”.  

Không chỉ có xã Hoàng Hanh, các thôn trong xã An Đức (Ninh Giang, Hải Dương) đều đã có đội chèo do thầy giáo Liên thành lập, giảng dạy. Nhiều xã ở các huyện kế bên như Gia Lộc, Bình Giang, thậm chí cả ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên), cũng mời nghệ sĩ mù đến thành lập đội chèo và dạy cho họ hát chèo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem