Thầy giáo mầm non: Chỉ yêu chứ không muốn... cưới

Thứ ba, ngày 26/09/2017 15:13 PM (GMT+7)
Bốn chữ “thầy giáo mầm non” khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn tò mò về nghề vốn được nghĩ chỉ “dành riêng” cho phụ nữ và cũng vì vậy mà các thầy giáo mầm khó tìm được mái ấm riêng.
Bình luận 0

Nghe đến cưới là chạy “mất dép”

Đó là kết quả mối tình hơn 2 năm với một cô gái cùng quê của thầy giáo mầm non Ngọc Văn Nạp (Sơn Động, Bắc Giang). Dù còn yêu nhau nhưng phía gia đình nhà gái không thích công việc mà thầy Nạp đang làm, không muốn con gái mình lấy chồng là một người làm thầy giáo mầm non.

“Hồi đó tôi và cô ấy yêu nhau được hai năm và định tiến đến hôn nhân rồi. Nhưng ngày hai bên họ hàng gặp gỡ nhau thì người ta lại chê rằng mình là giáo viên mầm non. Thế rồi cả 2 quyết định chia tay vì biết không thể đến được với nhau, cũng tiếc nhưng nếu gia đình hai bên không thích thì cũng khó để có hạnh phúc được”, thầy Nạp ngậm ngùi nhớ lại.

img

Công việc mầm non khiến thầy giáo Nạp từng bị từ chối tình yêu

Việc nhiều người không thích nghề thầy giáo mầm non khiến thầy giáo trẻ buồn một thời gian và cũng mất đi phần nào sự tự tin về nghề.Thầy giáo Nạp cho biết đã nhiều lần muốn viết đơn xin nghỉ việc, bỏ nghề và kiếm công việc nào khác để mọi người chòm xóm không xì xào nữa. Nhưng nỗi nhớ những đứa bé hồn nhiên, ngây thơ trên lớp học lại không thể dứt ra được.

“Ngày ấy cứ nghĩ là giờ theo nghề thì khó kiếm vợ, cũng sống trong môi trường mà mọi người chỉ trỏ này nọ cũng mệt lắm, áp lực từ bố mẹ và gia đình. Tôi tìm được người nghĩ là thích hợp thì khi trò chuyện, chia sẻ về nghề nghiệp, nói là làm nghề giáo viên mầm non thì họ đều không muốn nói chuyện nữa”, thầy Nạp nghĩ lại khoảng thời gian đi tìm cho mình một người hiểu và thông cảm cho mình.

Năm 27 tuổi thầy Nạp vẫn chưa đưa cô gái nào về ra mắt, trong khi đó bạn bè đều đã có gia đình riêng, có người đã có 2-3 đứa con và đều đã đi học. Ở nông thôn nên phần lớn các gia đình đều đặt nặng việc dựng vợ gả chồng sớm cho con cái.

img

Vợ của thầy - cô giáo mầm non Chu Thị Lan giúp thầy Nạp san sẻ được nhiều lo toan trong cuộc sống.

Thời gian bù đắp sự mong mỏi của thầy giáo trẻ và cả gia đình, thầy giáo Nạp quen và cưới một cô giáo mầm non kém 6 tuổi. Theo thầy giáo Nạp, hai người thật sự tìm được tiếng nói chung vì cùng là đồng nghiệp. “Cô ấy làm cùng ngành nên biết được tôi cần gì, nghĩ gì, thấy được sự mặc cảm của mọi người xung quanh về nghề của tôi, hiểu được tôi yêu trẻ như thế nào nên lại càng tôn trọng tôi hơn”, thầy giáo mầm non chia sẻ.

“Tôi muốn đi đâu xa vài ngày cũng chẳng có gì phải lo lắng vì vợ cáng đáng, lo toan mọi thứ. Vợ hiền lành, tháo vát lại hợp tính cả nhà nên dù có lấy vợ muộn nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người rất may mắn”, thầy Nạp hào hứng khi kể về người vợ giáo viên mầm non của mình.

img

Thầy Nguyễn Thanh Bình và những học trò của mình.

Những câu hỏi hoài nghi về giới tính

Bị mọi người hoài nghi về giới tính cũng là vấn đề mà thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, trường mầm non Đồng Cam, Cẩm Khê, Phú Thọ thường xuyên gặp phải.

“Đàn ông con trai phải chủ động, mà công việc một ngày trọn vẹn ở trường rồi, đến tối lại còn một tá sổ sách, giáo án, kế hoạch nên cũng khó chủ động để hẹn ai đó đi chơi.

Hơn nữa, thu nhập từ nghề thấp nên những thầy giáo trẻ như tôi lại càng khó có điều kiện tìm được người yêu. Hàng ngày chỉ biết đến trường dạy học, chăm sóc bé rồi lại quay vào công việc nên nếu có được người yêu thì cũng phải rất lâu, sau khi sự nghiệp đã ổn định”, thầy giáo Bình chia sẻ.

“Thầy giáo mầm non cần phải khéo, hay không có thì phải học cách để khéo léo hơn. Hát hay, múa dẻo, ăn nói dịu dàng, vui tính và hay tếu táo là những điều mà thầy giáo mầm non phải có được. Bởi vì như vậy các bé mới thấy thích thú và nghe lời, cũng là kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cần có. Có lẽ dịu dàng quá chăng mà khiến mọi người xung quanh đặt câu hỏi về giới tính”, thầy giáo mầm non tâm sự.

Mọi lời xì xào, bàn tán thường rộ lên sau mỗi lần thầy giáo Bình dạy các trẻ múa. Việc múa dẻo hơn cả các cô giáo mầm non khác cũng khiến thầy càng là tâm điểm của những lời bàn tán. Thầy giáo trẻ cho biết, những lần đi đường có người thậm chí đã hỏi thẳng thầy về giới tính thật.

“Tôi cũng chỉ nghĩ là họ hỏi đùa vui thôi nên cũng vào hùa để làm trò cho mọi người. Đó cũng là cách để quên đi những mệt mỏi sau những giờ trông trẻ trên lớp. Lâu dần rồi bản thân cũng chẳng muốn giải thích với những người đã thân thiết với mình. Tôi thực sự yêu nghề, yêu bọn trẻ", thầy giáo Bình vui vẻ chia sẻ về bản thân và tình yêu với nghề.

Huyền Trần (Đời sống & Pháp lý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem