Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào

Nhật Hà Thứ năm, ngày 17/11/2022 07:07 AM (GMT+7)
5h30 sáng mỗi ngày, thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc thức dậy để chuẩn bị cho giờ lên lớp của mình. Đây là công việc quen thuộc anh đã làm hơn 8 năm trên đất Lào.
Bình luận 0

Cơ duyên gắn bó với nước Lào của thầy giáo Việt 

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 1.

Chân dung thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc. Ảnh: NVCC

Những ngày cuối tuần của tháng 11, Ngọc cùng học sinh cắt mớ rau tự trồng, chuẩn bị cơm trưa. "Cứ tranh thủ giờ nghỉ giữa buổi thầy trò lại cùng nấu ăn", Ngọc tay cắt rau, miệng nở nụ cười nói.

Công tác tại huyện miền núi nghèo, địa lý hiểm trở vùng Bắc Lào, huyện Viêng Phu Kha, tỉnh Luổng Nạm Tha, thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc (31 tuổi, quê Lục Nam, Bắc Giang) đã phải vượt qua bao khó khăn để "gieo" chữ Việt sang nước bạn Lào, thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 2.

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 3.

Ngoài giờ dạy học, thầy Ngọc còn cùng các em học sinh trồng rau phục vụ bữa ăn hằng ngày. Ảnh: NVCC

Cơ duyên đưa anh đến với công việc giảng dạy tại Lào là những kinh nghiệm khi được học tập và làm việc tại đất nước triệu voi.

Trước đó, vào năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Ngọc quyết định sang Lào dạy tiếng Việt cho một ngôi trường Việt kiều tại Lào. Tại đây, từ năm 2014-2020, anh vừa dạy học vừa học lên thạc sĩ, học xong chương trình thạc sĩ, anh trở về nước làm việc.

Tuy nhiên khi Bộ giáo dục có chương trình tuyển giáo viên đi dạy tiếng Việt tại Lào, anh đã đăng ký hồ sơ và trúng tuyển với nhiệm kỳ giảng dạy 2021-2023.

"Tôi đã từng có thời gian làm việc học tập tại Lào, con người và đất nước này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi và tôi muốn gắn bó", thầy giáo cho hay. 

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 4.

Thầy giáo Thành Ngọc bên cạnh các em học sinh Lào. Ảnh: NVCC

Đối tượng học sinh của Ngọc chủ yếu là học sinh cấp 3, cụ thể là lớp 11 và 12. Ngoài ra anh còn dạy lớp dành cho cán bộ huyện. Trong quá trình giảng dạy, Ngọc cố gắng sử dụng song ngữ tiếng Lào và tiếng Việt. 

Ngoài thời gian dạy học, anh còn học thêm ngôn ngữ của đồng bào để hòa nhập với lối sống đồng bào vùng cao bởi theo anh việc học thêm ngôn ngữ của người dân nơi đây cũng hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác giảng dạy của anh trên lớp.

Gian nan vượt khó "gieo" chữ trên đất Lào

Khó khăn duy nhất đối với Ngọc, đó chính là khoảng cách địa lý "Tôi phải vượt qua 4 chặng đường gần 2000 km từ Việt Nam mới có thể tới nơi tôi đang công tác. Đó là một huyện miền núi nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy, cơ sở vật chất cũng như điều kiện sinh hoạt của tôi cũng gặp nhiều khó khăn", Ngọc kể.

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 6.

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 7.

Thầy Ngọc rất trân quý những món quà mộc mạc mà học sinh gửi tặng. Ảnh: NVCC

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng trong lòng Ngọc, đất  nước và con người  Lào đã để lại cho anh rất nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là các em học sinh khó khăn nhà lại ở rất xa trường, ngôn ngữ phổ thông đôi khi còn chưa nói rõ, nhưng các em rất chịu khó đến trường, có những em phải đi bộ 30 cây số đường rừng để đến trường và phải ở lại nội trú, thứ 7 chủ nhật mới về nhà. 

Có những khi học sinh mang biếu thầy những củ khoai lang, quả dưa, đọt mây… của nhà các em kiếm được, đó là những hình ảnh Ngọc sẽ mãi không thể quên trong cuộc đời dạy học của mình.

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 8.

Thầy Ngọc trong các chương trình thiện nguyện tại Lào. Ảnh: NVCC

Tâm huyết với công tác xã hội, thầy giáo Việt trên đất Lào 

Ngoài công tác giảng dạy, thầy giáo Ngọc còn làm các công tác xã hội. Trong một năm qua, anh đã cùng với các anh chị em, bạn bè thân thiết cả bên Việt Nam và tại Lào đã tổ chức quyên góp, ủng hộ trao tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, đồ ăn … cho các em học sinh và những người dân nghèo của huyện Viêng Phu Kha và tỉnh Luổng Nạm Tha với tổng số tiền lên đến 100 triệu kíp (khoảng 200 triệu đồng). 

Do đó, Ngọc đã được các cấp lãnh đạo của phía bạn Lào trao 8 giấy khen cảm ơn cho công tác giáo dục cũng như công tác xã hội trong một năm vừa qua (2021-2022).

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 9.

Thầy Ngọc bên chiếc trống trường mà thầy cùng chị Phan Thị Việt trao tặng trường THPT Viêng Phu Kha. Ảnh: NVCC

Dự định sắp tới, Ngọc vẫn sẽ tiếp tục làm các công tác thiện nguyện giúp đỡ các em học sinh khó khăn nơi đây đến hết nhiệm kỳ công tác. Đặc biệt mới tháng 10 gần đây Ngọc cùng với chị Phan Thị Việt (phó chánh thanh tra sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang) đã cùng nhau mua một chiếc trống trường làm món quà tặng kỷ niệm cho trường THPT Viêng Phu Kha – đó được đánh giá là một món quà rất ý nghĩa đối với nhà trường.

Cho đến hiện tại, Ngọc đã có 8 năm công tác tại nước bạn Lào, chính vì vậy anh không gặp rào cản gì nhiều về mặt ngôn ngữ. Về văn hoá và cuộc sống, anh cũng thích nghi rất tốt. Thậm chí, nhiều thầy cô đồng nghiệp người Lào còn hài hước với anh rằng "Trông Ngọc giống người Lào, không khác gì chúng tôi cả", Ngọc kể. 

Người thầy 8 năm "gieo" chữ trên nước Lào  - Ảnh 10.

Thầy giáo Ngọc tham gia hoạt động thể dục thể thao với đồng nghiệp để nâng cao sức khoẻ. Ảnh: NVCC

Về nơi ăn chốn ở, nhà trường bố trí cho Ngọc một phòng ở ký túc xá, mới đây nhà trường cùng các ban ngành của Lào mới xây cho Ngọc một nhà bếp với nhà vệ sinh để thuận tiện chi việc sinh hoạt, ngoài ra anh còn được cấp 1 chiếc xe máy để đi chợ.

"Tôi được các thầy cô đồng nghiệp, bà con xung quanh nhà trường cùng các em học sinh rất yêu quý. Có người nói tôi thật phung phí thời gian và tuổi trẻ khi công tác ở vùng sâu vùng xa như thế, nhưng tôi nghĩ ngược lại, thanh xuân của tôi, tuổi trẻ của tôi thật ý nghĩa khi tôi được "gieo" chữ Việt tới  nơi đây",  Ngọc giãi bày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem