Hiện tại, TP.Cần Thơ có 62 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp... đăng ký hoạt động dạy nghề. Quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề khoảng 30.000 - 34.000 học viên/năm.
Dự kiến trong năm 2011, TP. Cần Thơ sẽ đầu tư khoảng 131 tỷ đồng hỗ trợ phát triển dạy nghề ngay ở trung tâm học tập cộng đồng.
Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở dạy nghề đã được tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn. Đến nay, cơ bản các trung tâm dạy nghề quận, huyện đã được đầu tư thiết bị để phục vụ giảng dạy đáp ứng nhu cầu 1 phần của việc thực hành cơ bản như: Điện lạnh, hàn, sửa xe gắn máy, xây dựng, đan, may...
Ông Châu Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, TP.Cần Thơ không chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương mà con đào tạo cho nông dân trong cả khu vực. Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, các trường sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Chẳng hạn như Thới Lai là huyện vùng sâu, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nghèo ở nông thôn tương đối lớn. Hiện tại, trung tâm đào tạo nghề của huyện đã được nâng lên thành trường trung cấp nghề để đáp ứng nhu cầu của người học. Ông Đào Minh Lợi - quyền Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thới Lai cho biết: “Trường đang được đầu tư xây dựng trên diện tích 10ha, tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng. Trong năm nay sẽ hoàn thành nhà học chính để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy”.
Cũng theo ông Lợi, vấn đề được chú trọng nhất hiện nay là phải có "thầy giỏi" để có trò hay. Trường Trung cấp nghề Thới Lai là trường cấp huyện hiếm hoi có 25 biên chế giáo viên dạy nghề với 80% có trình độ đại học và 2 giáo viên đang học sau đại học. Sắp tới, ban giám hiệu sẽ tạo điều kiện tối đa để các giáo viên đi học nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của địa phương và khu vực xung quanh.
Tương tự, các trường dạy nghề khác cũng đang nâng cao chất lượng giáo viên. Cần Thơ hiện có 685 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên cơ hữu là 421 người (61,45%) dạy trên 50 nghề với tất cả các trình độ; đặc biệt là giảng dạy các nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Số giáo viên có trình độ sau đại học là 52 người; đại học, cao đẳng là 458 người.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các giáo viên đang tiếp tục được nâng cao, vì vậy chất lượng và hiệu quả dạy nghề đã từng bước được cải thiện. Nhiều học viên sau khi học hoặc bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất...
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.