"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" (Bài 1)

Thế Anh Thứ tư, ngày 05/06/2024 07:00 AM (GMT+7)
Thay đổi tích cực của doanh nghiệp đến từ tư duy mới mẻ của những người đứng đầu "muốn làm, dám làm", làm có phương pháp, mạnh mẽ phá bỏ "tảng băng" tư duy cũ, giải quyết được những khó khăn, trở ngại cản bước phát triển của ngành đường sắt lâu nay.
Bình luận 0

LTS: Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tuần trước, ĐBQH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong triển khai các công việc nói chung và các dự án giao thông nói riêng.

"Chính sách là con người, tổ chức thực hiện là con người, lãnh đạo cũng là con người. Nhiều lúc tôi chia sẻ thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả", Thủ tướng nói và dẫn chứng ở một số đơn vị như Đường sắt Việt Nam (VNR), Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thay một số nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo đã tạo ra hiệu quả đáng kể trong công việc.

Nhân phát biểu này của Thủ tướng, Báo Dân Việt triển khai loạt bài "Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước sau khi có những thay đổi về mặt thượng tầng; cùng các chuyên gia phân tích và đưa ra một số giải pháp để giúp các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước có thể hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.

Bài 1: Phá "tảng băng" tư duy cũ của đường sắt Việt Nam

Trong số 3 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn chứng, ngành đường sắt có cuộc "lột xác" ngoạn mục với một loạt các sự kiện chưa từng có từ trước đến nay và được Thủ tướng ghi nhận.

"Cú chuyển mình" của đường sắt

Ngược dòng thời gian, hệ thống đường sắt quốc gia đã được hình thành từ thế kỷ trước. Thế nhưng, sau hơn 140 năm, mạng lưới vẫn như cũ, tập trung ở trục đường sắt Bắc – Nam.

Có những giai đoạn, đường sắt còn bị dỡ bỏ một số tuyến và việc quan tâm đến tổ chức khai thác, phát triển để duy trì còn ở mức độ hạn chế. Do đó, việc xuống cấp của đường sắt đã và đang hiện hữu, không có điểm kết nối với các trung tâm, các luồng hàng. Do đó, đường sắt có tác động đến thị trường vận tải một cách "yếu ớt".

Đường sắt xuống cấp nghiêm trọng đã được thể hiện rõ. Biểu hiện, liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả và hầm đường sắt Chí Thạnh khiến cho đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt, thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" (Bài 1)- Ảnh 1.

Đường sắt đang nâng cao chất lượng các đoàn tàu. Ảnh: VNR

Thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đầu tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, giữ chức Chủ tịch HĐTV.

Chỉ ít tháng sau, đến tháng 10/2023, ông Hoàng Gia Khánh cũng đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. 

Ngay sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đặc biệt, đơn vị này đã mạnh dạn chủ động thực hiện và kiến nghị báo cáo các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ GTVT xem xét hướng đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt để nâng cao chất lượng.

Hiện thực hoá chiến dịch "Đường tàu, đường hoa", "Mỗi khu ga là một điểm đến" bằng việc làm cụ thể, đường sắt đã tập trung cải tạo nâng cấp một số hạng mục thuộc phạm vi quản lý của mình đã nâng cấp khu ga và tổ chức thực hiện cải tạo lại các phòng chờ VIP để đón hành khách đi tàu, đi du lịch.

"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" (Bài 1)- Ảnh 2.

Bên trong toa tàu chặng đường sắt Đà Nẵng - Huế. Ảnh: VNR

Cùng với đó, Đường sắt Việt Nam tiến hành cải tạo nâng cấp nhà ga là điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản. Hàng loạt các đoàn tàu được nâng cấp, nâng cao chất lượng để thu hút khách du lịch như: Nâng cấp toàn bộ hệ thống toa xe của các đoàn tàu, trong đó, có đoàn tàu SE19, SE20 chạy hành trình Hà Nội – Đà Nẵng.

Những việc này đã đem lại những hiệu quả về mặt chất lượng dịch vụ, lượng khách tăng cao đột biến.

Đáng chú ý, Đường sắt Việt Nam tập trung phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà còn là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước. Con tàu có thể thành điểm "check-in" di động và nhà ga là điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Cụ thể, đường sắt đã tổ chức chạy tàu du lịch giữa Huế - Đà Nẵng. Đây là cung đường sắt qua đèo Hải Vân giữa Đà Nẵng – Huế; Tuyến Đà Lạt – Trại Mát cũng là tuyến tàu du lịch chạy đêm, đem đến những sản phẩm mới trong du lịch.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, đường sắt đã thay đổi tích cực với tư duy của những người đứng đầu doanh nghiệp "muốn làm, dám làm" và có phương pháp làm, mạnh mẽ phá bỏ "tảng băng" tư duy cũ, giải quyết được những khó khăn, trở ngại cản bước phát triển của ngành lâu nay.

"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" (Bài 1)- Ảnh 3.

Bên trong toa tàu chất lượng của đường sắt. Ảnh: VNR

Đường sắt đã hoàn thành được mục tiêu của mình, là đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các địa phương không chỉ trong vận chuyển hàng hóa mà còn phát triển các kho ICD, logistics.

Đến nay, đường sắt đã đưa vào hoạt động 3 tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ trong sâu nội địa đi sang Trung Quốc, Nga, châu Âu, Trung Á… tạo ra hành lang vận tải xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua đường sắt vào trong nội địa.

Các tuyến đường sắt liên vận quốc tế gồm: Tại phía Bắc có 2 tuyến đường sắt liên vận quốc tế xuất phát từ Ga Kép (Bắc Giang) và từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc là một "bước đệm" quan trọng về vận tải đường sắt liên vận quốc tế trong tương lai nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa. 

Tại phía Nam, có đường sắt liên vận quốc tế xuất phát từ ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dường đi sang Trung Quốc.

Đường sắt đã khác

Những "chuyển động" của ngành đường sắt không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng vốn nhà nước cũng cho thấy hiệu quả rõ nét.

Sau nhiều năm "bết bát", năm 2023 doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Đường sắt đã đạt tới con số trên 8.503 tỷ đồng, vượt 101,7% so với mục tiêu đề ra. 

Lợi nhuận sau thuế của công ty lên tới 94,8 tỷ đồng, một bước tiến ấn tượng so với khoản lỗ 111,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Mức thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động đạt 9,5 triệu đồng, tăng 105,2% so với cùng kỳ năm liền trước.

"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" (Bài 1)- Ảnh 4.

Đường sắt khai trương tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi sang biên giới Trung Quốc. Ảnh: TA

Nhìn nhận nỗ lực của ngành của đường sắt, giới chuyên gia cho rằng, việc làm ăn có lãi trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực, dù con số lãi này vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong quý I/2024, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT), là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam đạt doanh thu quý I hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.

"Những thay đổi của ngành Đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và làm có phương pháp khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề được cho là hạn chế trong nhiều năm qua của ngành đường sắt đó là vấn đề an toàn cũng đã cải thiện đáng kể. 

Theo đó, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được kiểm soát giảm trên cả 3 tiêu chí (205 số vụ tai nạn, giảm 11 vụ (-5,1%); 81 người chết, giảm 05 người (-5,8%); bị thương 119 người, giảm 07 người (-5,6%)). 

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành Đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Giao thông.

Ngành đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết bài toán không thua lỗ, bảo toàn và phát triển về tài sản, nguồn tài chính và nhất là nguồn lực con người.

Thủ tướng đánh giá: "Thời gian qua Tổng công ty đường sắt đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và năm nay đã khác hẳn".

"Những thay đổi của ngành Đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và làm có phương pháp khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi.

"Năm 2024 chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem