Thầy trò Mường Ảng bám lớp dưới cái rét 5 độ C

Thứ ba, ngày 15/01/2013 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày đông rét mướt, nhiệt độ có hôm xuống dưới 5 độ C nhưng nhiều trường ở vùng cao, trẻ vẫn kiên trì bám lớp. Ghi nhận của Dân Việt ở huyện nghèo Mường Ảng (Điện Biên).
Bình luận 0

Những người lớn tí hon

25km từ trung tâm huyện Mường Ảng vào Trường THCS Mường Lạn nhưng chỉ được hơn chục km đường đẹp, còn lại là đường đất lồi lõm, mấp mô. Chúng tôi phải băng qua nhiều con suối, vượt qua nhiều đoạn lầy lội mới tới nơi.

img
Những ngày giá rét, các trường ở miền núi phía Bắc đều dự phòng củi để sưởi ấm cho trẻ.

Thầy Lê Hữu Khắc (30 tuổi)-Hiệu phó nhà trường, cho biết cả trường có 310 học sinh. Nhiều em phải trèo đèo, lội suối 6-7km đến trường. Muốn đúng 7g 30 vào lớp, các em phải dậy đi bộ từ 5g. 73 em nhà xa, địa hình hiểm trở phải ở lại trường.

Em Lò Văn Thuất (người dân tộc Thái, học lớp 7) thuộc diện 73 em “may mắn” này vì được ở nội trú 2 năm nay. Nhà cách trường 6km, lại phải trèo qua 3 quả núi rất cao, mỗi tuần em chỉ được về nhà một lần.

Cùng phòng với em còn có Đường Văn Thiểu, học lớp 8 nhưng dáng người nhỏ thó, chỉ như một học sinh lớp 5. Thiểu cho biết mỗi tháng bố mẹ cho một bao gạo và 30.000 đồng. 12 anh em cùng phòng góp gạo, tiền thổi cơm chung.

Phòng ở của các em chỉ rộng chừng 10m2 nhưng kê đến 4 cái giường tầng, sơ sài mấy tấm chăn và vài cuốn sách vở. Ngoài ra, không còn vật dụng gì. “Bọn em nhớ nhà, có lúc học đói, rét tê người muốn khóc nhưng vẫn cố chịu” – Thuất cho biết. Ngày cuối tuần, 6-7g tối các em cặm cụi về nhà, để tới 5g sáng thứ 2, dù mưa rét cỡ nào cũng quay lại lớp.

Còn cô giáo Bạc Thị Thanh –phụ trách điểm trường bản Hua Nậm (Trường Hua Nguông, xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng), một mình dạy dỗ, chăm sóc 21 học sinh. Cô cho biết, tuy mới 4-5 tuổi nhưng sáng nào các em cũng tự dắt nhau đến lớp.

Có mấy em nhà cách trường 4km, phải đi từ 6g, mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới lớp. Hành trang đi học của các em là một chiếc cặp lồng đựng cơm để ăn trưa. Cô Thanh cho biết, nhiều lúc, cặp lồng của các em chỉ nguyên cơm trắng, cô giáo lại phải sẻ phần thức ăn ít ỏi của mình cho các em. Nhưng nhiều em vẫn chăm chỉ đến lớp.

Vừa khóc vừa bám lớp

Thầy Khắc cho biết, hơn 40 thầy cô của trường, người nhà gần cũng cách trường 20km, còn người nhà xa thì 30-40km. Nhưng do phòng ở không đủ nên chỉ có 2 cô có con nhỏ được ở lại trường. Số còn lại đi về trong ngày.

“Thời tiết có hôm xuống dưới 5 độ C, các thầy cô cứ lụi hụi đi trong cái rét tê người để tới lớp” - thầy Khắc nói.

Theo Sở GDĐT các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… những ngày giá rét vừa qua, dù thời tiết có nơi chỉ 5-7 độ C, thậm chí 2-3 độ C, giáo viên vẫn bám lớp giữ trẻ, nhất là trẻ mầm non, tiểu học. Các trường đều dự phòng củi để sưởi ấm cho trẻ.

Cái rét đi trên đường bằng đã khổ, vậy mà các thầy còn phải lội suối. Những ngày lạnh, ngại lội suối, các thầy cô ở lại trường. Đêm ngủ tạm bợ ở trường, các cô mới vừa nhớ nhà, vừa sợ, nhưng rất ít thầy cô chuyển ngành.

“Trẻ em hồn nhiên, vô tư, nhiều lúc các em đến trường với đôi chân trần, quần áo mỏng manh hoặc có áo không quần, người tím tái, run lẩy bẩy mà nhìn thấy cô giáo vẫn cười. Nụ cười run rẩy, rúm ró khiến mình rớt nước mắt, chạnh nghĩ khó khăn khổ cực cũng chưa là gì”,  cô Thanh-Điểm trường Mầm mon Hua Nậm, cho biết.

Chính vì nụ cười đó của các em mà suốt 8 năm nay, những ngày đông giá rét, cô vẫn vượt rừng, vượt núi đi về 15km bám bản, dạy dỗ học sinh, như học sinh của cô vượt khó khăn, giá lạnh bám lớp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem