Thay tướng, đường sắt bớt ỳ

Minh Quân (Thế giới Tiếp thị) Chủ nhật, ngày 29/06/2014 06:55 AM (GMT+7)
Nhiều năm trời ì ạch, dân bức xúc, cán bộ ngành bó tay vì không có hướng gỡ. Vậy mà, có thể nói từ đầu năm đến nay, không biết từ “động lực” nào, ngành đường sắt Việt Nam đã tiến hành hàng loạt biện pháp cải tiến.
Bình luận 0

Nếu là người quan tâm đến đường sắt, ắt hẳn ai cũng nhớ câu nói của ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng công ty Đường sắt Việt Nam: “Tôi sẽ từ chức nếu đường sắt không thực sự đổi mới trong năm 2014”, hồi đầu năm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

img
Chỉ có một thời khắc nhân viên hữu hảo nhất với hành khách trên tàu: đêm giao thừa. Ảnh: Thảo Nguyên

Và có thể thấy, câu nói của vị này lãnh đạo này không phải là nói suông. Một trong những biện pháp đầu tiên cải tiến, bớt gây phiền hà cho người dân là chủ trương bắt đầu từ ngày 15.5 vừa qua, ngành đường sắt đã bãi bỏ quy định bán vé đón, tiễn tại các ga, nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu và người thân đi đón, tiễn.

Đi liền với quy định trên, ngay sau đó vào ngày 15.6, ngành đường sắt cũng cải tiến quy trình kiểm soát vé hành khách đi tàu. Theo đó, bãi bỏ việc kiểm soát vé khi hành khách vào và ra ga, nhân viên sẽ kiểm soát vé hành khách ngay tại cửa toa xe khách và chỉ có những hành khách có vé hợp lệ mới được lên trên tàu. Ngoài ra, tại các nhà ga sẽ bố trí bộ phận hỗ trợ hành khách miễn phí đối với các đối tượng hành khách là người cao tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật khi hành khách có nhu cầu. Đây là yêu cầu bắt buộc.

Để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, ngày 19.6, ngành này đã đưa ra hàng loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả việc bán vé, đáp ứng nhu cầu của hành khách. Trong đó, đáng kể nhất là quy định giảm giá vé tập thể và việc khấu trừ đối với vé trả lại, đổi vé tất cả các đoàn tàu khách Thống Nhất cũng như địa phương.

Cụ thể, tập thể từ 20 – 29 người sẽ được giảm 2% giá vé của loại chỗ sử dụng; từ 30 – 39 người, giảm 4%; từ 40 – 49 người, giảm 8%. Đặc biệt, tập thể từ 50 người trở lên được giảm đến 10% giá vé. Đối với việc đổi vé, tổng công ty quy định, không thu phí đổi vé (chỉ thu thêm hoặc trả lại tiền vé chênh lệch so với vé đã mua) nếu có đủ điều kiện: đổi vé có cùng ga đi, ga đến; đổi vé một lần duy nhất.

Đặc biệt, ngành này còn đưa ra kế hoạch, kể từ ngày 4.9, giá vé tàu Thống Nhất sẽ giảm 12% so với trước đó. Giá vé giường nằm cứng và mềm điều hoà cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp. Loại vé ghế cứng thường và ghế cứng điều hoà được giảm 10% để thu hút hành khách có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng đưa ra phương án hành khách mua vé trước nhiều ngày cũng được hưởng khuyến mãi, như: nếu mua vé trước hơn hai tháng sẽ được giảm 50% giá vé, nhưng không được trả vé; hành khách mua vé trước từ 1 – 2 tháng sẽ được giảm 30%, phí trả lại hoặc đổi vé là 50%...

Một chuyện khiến ai cũng phải bức xúc chính là mùi hôi trên tàu. Để giải quyết bức xúc này, ngày 5.6, tổng công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt đoàn tàu thí điểm với mục tiêu “khử mùi tàu”, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh môi trường và chất lượng phục vụ hành khách. Theo đó, “mùi tàu” sẽ được khử bằng công nghệ vi sinh hiện đại. Việc khử “mùi tàu” này sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện trên tất cả các mác tàu để xoá bỏ triệt để “mùi tàu”.

Chuyện đặc biệt phiền hà của người đi tàu, nhất là trong những ngày cao điểm chính là chuyện mua vé. Nếu không cải tiến, nhà tàu còn ỳ ạch dài dài. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, hệ thống bán vé điện tử đang được xây dựng, dự kiến khoảng tháng 11, 12 năm nay ngành đường sắt sẽ triển khai bán vé điện tử. “Việc bán vé qua điện tử sẽ khắc phục câu chuyện vé trên tàu còn chỗ, nhưng dưới ga hết vé lâu nay”, ngành đường sắt khẳng định.

Những cải tiến trên, đối với một doanh nghiệp bình thường thì đó là chuyện đương nhiên, vì đó thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc kinh doanh. Riêng với ngành đường sắt vốn độc quyền thì quả là một thay đổi mang tính “cách mạng”.

Rõ là, từ lâu việc chậm thay đổi, đáp ứng nhu cầu hành khách của ngành đường sắt, không phải là do thiếu cơ chế, vốn đầu tư hay công nghệ…, mà chính là từ sức ỳ, ngại tìm tòi và đổi mới của các vị lãnh đạo ngành này cũng như từ các đơn vị trực tiếp chỉ đạo ngành. Những thay đổi kể trên đã chứng minh quan điểm này hoàn toàn chính xác. Bởi những thay đổi vừa nêu không hề dựa vào những quy định mới nào, mà toàn từ những cái đã có từ trước.

Thay đổi chưa nhiều, nhưng mong rằng đây sẽ là tiền đề để ngành đường sắt dần dỡ bỏ thế độc quyền của bản thân; chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh giành khách với các loại hình vận tải khác, chứ không “kệ thây chúng nó, vì tao không thay đổi vẫn có khách trong suốt một thời gian dài vừa qua”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem