Có số mạng nhà văn – tướng cướp
Sơn Vương (thứ 2 bên trái qua) cùng gia đình.
Sơn Vương tên thật Trương Văn Thoại, con thứ 5 trong một gia đình điền chủ giàu có tại làng Bình Nghị thuộc tỉnh Gò Công, nay là xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Giai thoại kể rằng, vào ngày thôi nôi, trước mặt cậu bé Thoại đặt không biết bao nhiêu thứ, từ đồ chơi đến sách vở, bút mực và cả vài loại binh khí tiêu biểu, nhưng cậu ấm chỉ nhìn lướt qua rồi vồ lấy hai món: Cây bút và thanh gươm.
Đến tuổi đi học, Thoại tỏ ra rất thông minh và hiếu học. Thoại bao giờ cũng hơn hẳn các bạn học cùng lớp. Nhưng khi vừa hết lớp 5 - Chương trình Cours Superieur của thời đó, Thoại nghỉ học trường tây để đi học võ và chữ Hán. Đến năm 1925, khi mới 16 tuổi, Thoại bỏ nhà đi theo tiếng gọi của giang hồ, tìm thầy học đạo. Cậu gặp được một đại lão sư ẩn danh trên núi cao, rất tài giỏi về võ thuật và được nhận làm đồ đệ rồi thầy trò mai danh ẩn tích.
Năm 1931, sư phụ qua đời, Thoại “hạ sơn” trở về Sài Gòn làm nghề bán sách bên lề đường. Nơi Thoại bán sách (đường Hàm Nghi sau này) có các văn nhân, ký giả, chủ báo cũng đem sản phẩm của mình ra bày bán trên vỉa hè. Trong số những chủ báo đó có ông Nguyễn An Ninh - chủ bút của tờ báo La Cloche Fêlee (Tiếng chuông rè) kiêm thủ lĩnh Đảng Thanh niên Cao vọng. Vốn thần tượng Nguyễn An Ninh, Thoại đã chủ động làm quen và hai người đã mau chóng thân nhau. Nhờ sự giúp đỡ và dẫn dắt của Nguyễn An Ninh, cộng với tài năng sẵn có, Trương Văn Thoại nhanh chóng trở thành cây viết chủ lực của tờ báo với bút hiệu Sơn Vương. Cách viết của Sơn Vương rất đơn giản, bình dân và dễ hiểu nên đã làm cho bạn đọc ưa thích.
Trong những năm 1932 - 1933, Sơn Vương nổi danh như cồn ở Sài Gòn, Chợ Lớn và cả lục tỉnh với hàng chục tiểu thuyết được đăng tải trên báo. Phần đông những sáng tác của Thoại là những tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình. Những nhân vật hư cấu được dựng lên là những hiệp sĩ, tướng cướp nghĩa hiệp, cướp của nhà giàu đem giúp kẻ nghèo. Mãi cho đến sau này, người ta mới hiểu rằng, chính Sơn Vương đã dùng tâm trạng con người thật của mình để diễn tả nhân vật trong truyện. Trong những năm 1931-1933, Sơn Vương đã đơn thương độc mã thực hiện hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa chỉ nhắm vào các phú hộ, địa chủ ở khắp vùng từ Đồng Nai lên đến Sài Gòn, Chợ Lớn rồi dần xuống Long An.
Tướng cướp bị lưu đày
Hàng chục vụ cướp táo bạo đã xảy ra ở Sài Gòn và vùng phụ cận, nhắm vào nhà giàu và các chủ đồn điền Tây. Thiên hạ đồn đãi khắp nơi, kẻ khen phục người chê bôi, đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán. Lúc ấy có tên chủ đồn điền cao su tên Rene Gaillard vừa bị cướp - vốn là một tên giang hồ thứ thiệt, Rene ra tuyên bố: Thưởng năm ngàn đồng và 1/10 số tiền bị cướp cho bất cứ ai tìm ra tung tích thủ phạm. Tên tài xế Năm Đường (người chở Sơn Vương đi cướp nhà băng) đã khai báo để nhận thưởng. Ngày 16.8.1933, Sơn Vương bị bắt, bị xử 5 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Ở Côn Đảo lúc bấy giờ đang giam giữ nhiều tù chính trị, đó là những người của Quốc dân Đảng, Hòa Hảo, Cao Đài và Việt Minh. Sơn Vương được đưa vào phòng số 2, là phòng thường phạm. Lúc này, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cũng đang bị giam ở đây và hai người gặp lại. Tuy là một tù thường phạm nhưng tăm tiếng vụ cướp tiền của chủ đồn điền cao su người Pháp khiến hầu hết tù phạm ở đây kính nể Sơn Vương.
Nhờ giỏi tiếng Pháp mà mỗi lần tù nhân cần gì với giám thị, Sơn Vương lại trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ. Cuối năm 1933, nhà tù tổ chức một cuộc thi chữ đẹp để tìm người viết chữ tốt phụ giúp làm giấy tờ cho trại, Sơn Vương được chấm đầu và được nhận làm thư ký cho Ty Ngân khố của Côn Đảo. Từ đó, Sơn Vương không còn bị giam trong tù nữa mà được thả ra ngoài, hàng ngày làm việc cho Ty Ngân khố, tối về đến dạy học cho cô con gái nhỏ của chúa đảo là Nguyễn Thị Kim Hoa.
Năm 1936, Sơn Vương được trả về đất liền và bị giam tại Hà Tiên. Một hôm, viên giám đốc người Pháp bị mất cắp 200 đồng, nghi cho một người Việt làm bồi bàn ăn cắp, tên giám đốc đã tra khảo dã man người giúp việc đến chết. Sơn Vương biết chuyện đã hô hào tù nhân nổi lên đập phá, phản đối viên giám đốc. Vậy là Sơn Vương lại bị bọn Pháp đày trở lại Côn Đảo. Trở lại Côn Đảo, Sơn Vương âm thầm thu nhập tài liệu và viết bài tố cáo chế độ nhà tù hà khắc gửi về Sài Gòn cho báo chí đăng tải, làm tên quận trưởng bị trả về Pháp và thay quận trưởng mới. Ngày 16.8.1938, Sơn Vương được trả tự do.
Đúng một năm sau, cũng vào ngày 16.8.1939, Sơn Vương lại bị bắt trở lại vì bị ghép tội du đãng và bị đưa qua giam tại trại giam ở Pursat thuộc Campuchia. Chỉ vài tháng sau, Sơn Vương cưa cửa tù trốn thoát qua Thái Lan. Rồi ông lại bị bắt khi tìm cách trở về Sài Gòn. Với tội vượt ngục, Sơn Vương bị kết án 10 năm tù và bị giam ở phòng 17 thuộc Bót Catina cho đến đầu năm 1942 thì một lần nữa lại bị đày ra Côn Đảo.
Sơn Vương lúc về già.
Muốn làm chúa đảo?
Ngày 9.3.1945, quân Nhật chiếm Côn Đảo và bắt giam viên Giám đốc Nhà tù Côn Đảo người Pháp tên Tissaire. Đến cuối năm 1945, Việt Minh giành quyền kiểm soát Côn Đảo. Việt Minh đã cho tổ chức bầu cử và Trương Văn Thoại được bầu làm Chủ tịch ủy ban hành chính Côn Đảo. Ở vị trí này, Sơn Vương tưởng như mình đã trở thành chúa đảo. Sơn Vương cưới cô bé học trò ngày xưa nay đã trở thành cô giáo Lệ Hoa xinh đẹp và dịu dàng. Một đám cưới lớn nhất Côn Đảo được diễn ra. Người ta đồn thổi rằng Sơn Vương còn muốn Côn Đảo chính thức trở thành một quốc gia trung lập, đồng thời tự xưng là quốc vương…!
Khi quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chúng đem ba chiến hạm ra chiếm lại Côn Đảo vào tháng 4.1946, bắt giam lại tất cả tù nhân. Riêng Sơn Vương mới vào tù đã bị một người tên Đinh Công Thành tố cáo với bọn Pháp là thành phần nguy hiểm vì vậy mà bị giam riêng và bị đối xử khắc nghiệt hơn những người khác. Có một người tù tên Út vì thù hằn mà bịa chuyện Sơn Vương đang giữ tấm bản đồ kho tàng châu báu của Vua Gia Long giấu lại trong thời gian chạy trốn Tây Sơn năm 1783, báo lên mật thám Pháp. Tưởng thật, bọn Pháp tra khảo Sơn Vương dã man, đến nỗi Sơn Vương chịu không nổi phải nhận đại là có và đã vẽ một bản đồ ma cho bọn Pháp. Rồi vì tội vẽ láo đó mà Sơn Vương lại bị đánh đập thê thảm hơn.
Giữa năm 1947, Sơn Vương bị đưa về Sài Gòn ra tòa với hai tội danh là cưỡng hôn cô vợ Lệ Hoa và giết một người tù tên Quít, lãnh bản án chung thân. Ngày 8.8.1953, trong một buổi đi làm lao công, bất ngờ Sơn Vương chạm mặt với tên Út, người đã tố cáo Sơn Vương có bản đồ kho tàng. Quá căm tức, Sơn Vương đánh chết tên Út. Thêm một án chung thân nữa và Sơn Vương bị đưa trở lại Côn Đảo. Vào thời đó, bản án chung thân được tính là 32 năm. Như vậy, tổng cộng các bản án tù mà Sơn Vương bị phạt là 79 năm!
Đến ngày 18.11.1968, tức sau 34 năm thụ án, Sơn Vương được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ân xá, trở về đời sống bình thường. Cuộc trở về của Sơn Vương là dịp để báo chí Sài Gòn thổi bùng cuộc đời của “người tù thế kỷ” như là huyền thoại. Nhưng lúc bấy giờ, Sơn Vương đã già yếu, trở về sống ẩn dật trong một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm đường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn và mưu sinh bằng nghề làm thầy thuốc nam gia truyền. Ông mất năm 1987 tại quê nhà Gò Công.
Hồi ký “Máu hoà nước mắt”
Năm 1980, trước khi về lại cố hương Gò Công, ông đã ký tặng chính quyền cách mạng một tập bản thảo đánh máy dày khoảng 600 trang. Tập bản thảo hồi ký này (có tên “Máu hoà nước mắt”, hiện đặt tại Bảo tàng Côn Đảo) chủ yếu nói về những năm tháng khắc nghiệt trong nhà tù Côn Đảo. Ngay trong phần mở đầu bản thảo hồi ký có tên "Máu hòa nước mắt", ông đã viết:“Tại sao tôi đi ăn cướp và tại sao tôi phạm tội giết người?”. Ông viết tiếp: “Ăn cướp để làm gì? Điều này tôi không cần nói rõ chi tiết vì đã có vong linh một số nhà cách mạng đàn anh quá cố và một số gia đình lao động ở Bàn Cờ và Xóm Trể bị cháy nhà từ ba mươi mấy năm về trước (hiện nay còn sống) chứng kiến cho tôi”(...)
“Một điều tôi có thể hãnh diện và tự an ủi lấy tôi là hai lần bị bắt về tội cướp, người ta tra tấn tôi đủ thứ cực hình để sát hạch tôi: Ăn cướp lấy tiền để làm gì và trao cho những ai? Thì trước sau tôi vẫn một mực khai rằng: Chơi đĩ và thua cờ bạc mà hết; chớ không hề khai một lời nào có thể can danh phạm nghĩa đến các bậc đàn anh, vì hành động mạo hiểm đó đều do tôi tự động, chớ không ai xúi bảo; nghĩa là các nhà cách mạng đàn anh không hề hay biết những món tiền tôi đưa ra là tiền ăn cướp”.
“Nhà chức trách Pháp hồi ấy không tin, họ khảo tôi là tôi cứ ráng chịu đòn. Vì tôi tự xét: các anh ấy mà được tự do hay còn sống là xã hội được nhờ. Trái lại tôi bất quá là một kẻ vô danh tiểu tốt, có chết đi cũng không liên quan gì đến việc đời hay việc nước.Vậy tôi đi ăn cướp lấy tiền là để chơi đĩ và thua cờ bạc; mặc dù tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa lầu xanh, cũng như không cầm được bộ bài Cào hay bộ bài Tứ sắc mà chia cho các tay con để chung tiền hay hốt bạc”.
Hoàng Dũng (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.