Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ

Thứ ba, ngày 22/11/2022 17:03 PM (GMT+7)
Một giây nhuận sẽ giúp đồng hồ trên toàn thế giới chạy khớp với tốc độ quay của Trái Đất nhưng cũng khiến hệ thống máy tính và phần mềm gặp lỗi.
Bình luận 0

Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ - Ảnh 1.

Các hãng công nghệ cũng muốn loại bỏ giây nhuận vì gây ra sự cố cho hệ thống máy tính. Ảnh: GNSS.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, giây nhuận (leap second) trên đồng hồ nguyên tử được chèn vào Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) nhằm giữ thời gian đồng bộ với chuyển động quay của Trái Đất. Nhưng vài năm nữa, giây nhuận sẽ chính thức được xóa sổ khỏi lịch sử thế giới.

Điều này sẽ giải quyết vấn đề từng gây đau đầu cho không ít hãng công nghệ khi máy tính và hệ thống phần mềm gặp lỗi, không thể xử lý được việc một phút có 61 giây.

Tương lai mới cho giờ quốc tế

Theo Cnet, họp tại Văn phòng Cân đo Quốc tế (Bureau International des Poids et Mesures - BIPM) hôm 18/11, các tổ chức đo lường thời gian trên toàn thế giới đã quyết định loại bỏ giây nhuận.

“Sự xuất hiện của giây nhuận đã gây ra nhiều vấn đề, khiến các thiết bị số hư hỏng vì không xử lý được dữ liệu như hệ thống định vị vệ tinh, viễn thông hay truyền tải năng lượng”, đại diện BIPM giải thích.

Thay đổi này sẽ chính thức có hiệu lực muộn nhất vào năm 2035.

Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ - Ảnh 2.

Một giây thêm vào đồng hồ từng khiến nhiều website gặp lỗi. Ảnh: NASA.

“Thật khó tin. Sau hơn 20 năm thảo luận, cuối cùng chúng tôi cũng đưa ra một thỏa thuận chính thức”, Patrizia Tavella, Giám đốc ban quản lý thời gian tại BIPM nói. Elizabeth Donley, Giám đốc tại phòng đo lường thời gian và tần số tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ (NIST), thì nhận xét đây là một thời khắc lịch sử của nhân loại.

Theo New York Times, Trái Đất không quay theo một nhịp độ đều đặn. Để thời gian trên đồng hồ vẫn trùng khớp với sự vận động của Trái Đất, đặc biệt là để các nhà thiên văn học quan sát được chính xác, người ta thêm một giây nhuận vào khi cần thiết.

Từ năm 1972 đến nay, giây nhuận được thêm tổng cộng 27 lần. Khác với năm nhuận, giây nhuận được thêm vào cùng một thời điểm trên toàn thế giới và lần gần nhất là vào giây cuối cùng của ngày 31/12/2016 theo Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC).

Tại thời điểm 23 giờ 59 phút 59 giây ngày 30/6 hoặc 31/12, đồng hồ UTC sẽ thêm một giây thành 23 giờ 59 phút 60 giây, thay vì 0 giờ 0 phút 0 giây ngày tiếp theo. Việc này giúp giữ độ lệch của UTC so với Giờ Quốc tế (UT1), được đo dựa trên chuyển động quay của Trái Đất không quá 0,9 giây.

Những “thảm họa tính toán” chỉ vì giây thứ 61

Tuy nhiên, giây nhuận là một vấn đề gây đau đầu cho giới công nghệ trong suốt 5 thập kỷ qua. Rất khó để con người dự đoán giây nhuận cần được thêm vào tiếp theo. Vì thế, mạng lưới máy móc không thể chuẩn bị trước thay đổi này. Thay vào đó, mỗi mạng lưới sẽ có cách thức riêng để thêm giây thứ 61 trên đồng hồ, không đồng bộ với nhau.

Các hệ thống máy móc hiện đại cũng hoạt động dựa trên mạng lưới quản lý thời gian siêu chuẩn, chính xác đến từng mili giây. Chúng quen sử dụng đồng hồ không có giây nhuận để lên lịch cho các hoạt động được hẹn giờ trước, chẳng hạn như cập nhật phần mềm hay bổ sung dữ liệu.

Vì vậy, giây nhuận được thêm vào sẽ khiến hệ thống viễn thông, truyền tải năng lượng, giao dịch tài chính và các dịch vụ trọng yếu khác sụp đổ trong phút chốc chỉ vì không thể đồng bộ dữ liệu thời gian.

Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ - Ảnh 3.

Hiện tượng giây nhuận xảy ra không theo chu kỳ nhất định. Ảnh: AP.

Năm 2012, giây nhuận khiến hàng loạt sản phẩm công nghệ gặp sự cố như diễn đàn Reddit, Mozilla, LinkedIn, Yelp và dịch vụ đặt vé máy bay Amadeus. Năm 2017, lỗi hệ thống của Cloudflare vì bổ sung giây nhuận khiến website của nhiều khách hàng ngừng hoạt động

Một trong những sự cố thời gian đáng nhớ nhất là Y2K, khi các máy tính, vi mạch đồng hồ điện tử thời ấy chỉ dùng 2 số cuối của năm thay vì 4 số để tiết kiệm dung lượng lưu trữ. Khi chuyển giao sang thế kỷ mới, mọi hoạt động sử dụng máy tính và vi mạch đồng hồ điện tử bị đảo lộn bởi máy tính sẽ không thể phân biệt năm 2000 với 1900 do giá trị hiển thị là 00.

Do đó, một hệ thống thời gian không chính thức đã xuất hiện, thay thế Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Việc loại bỏ giây nhuận sẽ giúp UTC tiếp tục được sử dụng đồng bộ, rộng rãi ở khắp nơi. “Vấn đề quan trọng là chúng ta cần đảm bảo rằng thời gian luôn là một đại lượng được thống nhất trên toàn cầu”, Judah Levine, nhà vật lý học tại NIST khẳng định.

Trước đó, hồi tháng 8, nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, Meta và Amazon cùng tuyên bố chiến dịch vận động loại bỏ giây nhuận. Các hãng công nghệ lập luận chèn giây nhuận gây ra nhiều vấn đề như mất kết nối Internet, các sự cố nghiêm trọng hơn so với lợi ích mà nó mang lại. Các công ty cũng cho rằng chèn giây nhuận là vô ích, bởi tốc độ quay thực tế của Trái Đất không thay đổi nhiều trong lịch sử.

Thúy Liên (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem