Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long: Người thầy "truyền lửa" cho những nhân tài công nghệ vươn tầm thế giới
Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long: Người thầy "truyền lửa" cho những nhân tài công nghệ vươn tầm thế giới
Nguyễn Thịnh
Chủ nhật, ngày 20/11/2022 13:50 PM (GMT+7)
Tại Chung kết toàn cầu cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC tuần qua, lần đầu tiên Việt Nam giành giải thưởng (Huy chương Đồng). Trong chiến tích đáng nhớ này, người hạnh phúc hơn ai cả đó là thầy Nguyễn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, với 17 năm tâm huyết.
Chiến tích đáng nhớ của sinh viên Việt Nam và giọt nước mắt hạnh phúc của người thầy Nguyễn Long
Hẹn gặp Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - Nguyễn Long vào một ngày gần 20/11 tại trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), phóng viên Dân Việt đã có buổi trò chuyện đầy cởi mở và sâu sắc.
Dù hiện tại không đứng giảng đường nhưng thầy Long từng giảng dạy tại Học viện Kĩ thuật Quân sự (từ 1981-1996), và đã có nhiều trò giỏi như Đỗ Cao Bảo (FPT), Nguyễn Xuân Hải (Vietsoft Ware) ... cùng 2 khoá đào tạo Kĩ sư chuyên Toán - Tin.
Thầy còn là người đầu tiên đứng lớp dạy sinh viên về thuật toán, lập trình với ngôn ngữ Basic, Pascal, Fortran 77, Dbase ... thời bắt đầu Việt Nam tiếp cận các máy vi tính đầu tiên.
Thầy Nguyễn Long cũng chính là người tổ chức sân chơi Olympic, ICPC cho học sinh, sinh viên... hơn 30 năm nay.
Rất nhiều những học trò xuất sắc của thầy Nguyễn Long như CEO KardiaChain Huy Nguyễn, người trẻ nhất giữ vị trí quản lý cấp cao của Google tại Mỹ với mức thu nhập gần một triệu USD/năm, bỏ ngang cơ đồ rộng mở để về Việt Nam xây dựng công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối). Ngoài ra còn có những gương mặt đình đám trong làng công nghệ như Ngôn Phạm (CEO Ahamove) hay Lê Yên Thanh (BusMap).
Hay những người luôn kính trọng gọi là thầy Long còn có PGS.TS Bùi Thế Duy, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, PGS.TS Trần Minh Triết...
Huy Nguyễn nói: "Từ khi còn là sinh viên, tôi đã được thầy Long truyền lửa, bắt đầu từ những cuộc thi lập trình cả trong nước lẫn quốc".
Trở về sau Chung kết toàn cầu cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC tuần qua tại Dhaka - Bangladesh, thầy Nguyễn Long - người dẫn đoàn, vẫn còn nguyên những cảm xúc khi cùng đội sinh viên Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải thưởng sau 17 năm tham dự. Và đây cũng là lần đầu tiên các nước Asean có giải trong kỳ thi lập trình danh giá nhất toàn cầu.
Tham dự giải đấu năm nay, Việt Nam có 3 đội, đó là: C'est BON! - Đại học Bách Khoa Hà Nội, EggCentroy - Đại học Công Nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Illuminate - ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM. Ngoài ra, Việt Nam còn có 5 đội có sinh viên Việt Nam tham dự đến từ Mỹ và Singapore.
Đây là những người xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế lần này và cũng là những gương mặt quen thuộc trong giới chuyên Tin học vì có thành tích nổi bật cũng như chỗ đứng nhất định trên bảng CodeForces.
Trận chung kết World Final ICPC 2020 bắt từ 12h - 17h ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam). Trong 5 tiếng tranh tài, các đội tuyển đã rất bình tĩnh và đạt được những kết quả nhất định.
Nổi bật nhất trong đội hình lần này đội tuyển của trường Đại học Công Nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội (đội tuyển EggCentroy) gồm Bùi Hồng Đức, Vũ Hoàng Kiên, Nguyễn Hải Bình và huấn luyện viên Hồ Đắc Phương.
Sau 5 tiếng thi đấu, đội tuyển này đã giải được 8/12 bài. Trong đó, nộp thành công bài L vào phút thứ 210 và "lọt" top 12 từ tiếng thứ 3. Sau đó, đội đã tiếp tục nộp thành công bài thứ 8 vào phút thứ 250.
"Rất tự hào, đó là những gì tôi muốn nói. Cuộc thi đầy trí tuệ và hồi hộp. Cuộc thi trực tiếp và rất minh bạch. Có những lúc đội từ 9 rơi xuống 10, 11 thì như muốn rụng tim. Đến khi còn 2 đối thủ, 1 thì đứng im kết quả, 1 còn bài được chấm nhưng không cao hơn chúng ta. Cuối cùng, chúng ta lọt vào top 4 đội giải được 8 bài và giành giải đồng", thầy Nguyễn Long nhớ lại.
"Để giành được giải đồng này thực sự đáng nhớ. Xin nói rằng rất nhiều tên tuổi lớn đã bị Việt Nam bỏ lại phía sau như CMU, hay Đại học Stanford (Cái nôi đào tạo nhân tài hàng đầu nước Mỹ) cũng không được giải. Ngoài ra một số trường đại học lớn như Tổng hợp Moscow, ITMO, ngay cả được đánh giá cao hơn hẳn đội Việt Nam là ĐHQG Singapore cũng xếp sau".
Khi Việt Nam được giải đồng, rất nhiều đội tuyển các nước từ Đông Nam Á đến Trung Quốc đã tới bắt tay chúc mừng".
Nói thêm về thành tích vang dội này, thầy Long khẳng định: "Đúc kết lại thành công, tôi muốn nói đến 3 yếu tố: Làm việc tập thể, tính hoàn thiện và tiếng Anh giỏi. Có được kết quả này là cả một hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ. 2005 tham dự nhưng bắt đầu từ 2006 mới có suất dự World Final. Nhân vật lead đội khi đó là Phạm Hữu Ngôn, CEO AhaMove bây giờ.
Cho đến mãi 2014, đội của Thành Trung (CEO của Sky Mavis, công ty sở hữu game blockchain đình đám Axie Infinity, gây sốt thế giới trong năm 2021) mới bắt đầu có sức cạnh tranh thực sự".
"Trong vài năm sau đó, chúng ta đã vượt lên mạnh mẽ, tiệm cận có huy chương đầy tiếc nuối. Cho đến năm nay, vẫn là các đối thủ mạnh khủng khiếp nhưng đội Việt Nam đã làm nên kì tích, thậm chí vang dội cho cả Đông Nam Á".
Người thầy "truyền lửa" cho những nhân tài công nghệ vươn tầm thế giới
"Trong 17 năm dẫn đoàn (có năm không trực tiếp dẫn đoàn) tham dự sân chơi này, đây chắc chắn là năm đáng nhớ nhất với tôi và đoàn Việt Nam. Thêm một điều đáng nói, cả 3 đội Việt Nam tham dự đều có mặt trong top 40%. Điều này cho thấy độ đào tạo công nghệ thông tin, đào tạo về năng lực thuật toán lập trình của Việt Nam rất ấn tượng", thầy Nguyễn Long, nguời cũng là chủ tịch ICPC Vietnam nói.
"Từ thành công này, tôi muốn nói đến chất lượng người Việt trong lĩnh vực này đang ngày càng ấn tượng. Các bạn sinh viên qua các thế hệ đã thoả được ước mơ tại sân chơi lớn này, và cũng đặt mục tiêu tiếp theo - đổi màu huy chương, đổi màu chất lượng con người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thuật toán lập trình - nòng cốt của chuyển đổi số, kinh tế số".
Khi được hỏi về đóng góp sau này cũng những nhân tài công nghệ Việt Nam nói riêng cho đất nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - Nguyễn Long chia sẻ: "Tại sao 99% các bạn đạt giải tại cuộc thi Olympia ra nước ngoài du học? Rồi từ chính cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế này, các bạn trẻ ra nước ngoài, theo tôi đều rất tốt.
Các bạn trẻ ra nước ngoài lấy kinh nghiệm, công nghệ về phục vụ Việt Nam là tốt chứ. Điển hình như Huy Nguyễn (CEO KardiaChain) sau nhiều năm làm việc ở Google, đã chọn trở về Việt Nam để khởi nghiệp, để tìm cách "quốc dân hóa" công nghệ blockchain theo cách của riêng mình. Rồi Lợi Lưu, chủ tịch KyberNetwork cũng về Việt Nam lập nghiệp khi bảo vệ xong Tiến Sỹ Blockchain đầu tiên của Châu Á.
Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn là môi trường tốt, có thể là bệ phóng".
"Những cuộc thi lớn như thế này là cái lõi để các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp. Thành công của Phạm Hữu Ngôn, Thành Trung, Huy Nguyễn rất đáng để các bạn trẻ thời nay học tập, và là động lực để tiếp bước. Tiêu chí của tôi khi tạo nên các nhóm có các thế hệ khác nhau là thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau để góp sức cho nền công nghệ Việt Nam, kinh tế số Việt Nam".
Quá trình Chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - Nguyễn Long cũng mong muốn: "Chuyển đổi số là một slogan rất ý nghĩa, rất tốt. Trong năm 10 năm, chuyển từ tin học - công nghệ thông tin sang tin học hoá và bây giờ là Chuyển đổi số. Cái lõi là ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước, được số hoá, online, rất thuận tiện và minh bạch.
"Tất nhiên quá trình Chuyển đổi số là gian nan và nhiều thách thức. Và từ những bạn trẻ giỏi cũng phải tham gia vào quá trình này. Tích luỹ kinh nghiệm từ nước ngoài để góp sức cho Việt Nam".
Có một điều ít biết, thầy Long từng đoạt Huy Chương Đồng Toán Quốc tế năm 1975 . Vì thế thầy luôn ước mơ các bạn trẻ Việt Nam thành công rực rỡ trên đấu trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ - thực hành mới: Tin học - Công nghệ thông tin.
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - Nguyễn Long về cuộc trò chuyện đầy cởi mở này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.