Thế giới “vàng đen”: Cuộc sống vẫn xanh

Thứ tư, ngày 08/12/2010 18:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tìm hiểu về cuộc sống của những người thợ mỏ, chúng tôi mới thấu hiểu hết sự gian khổ và can đảm của những người con nơi mảnh đất "vàng đen".
Bình luận 0

Trở về từ cõi chết

Người được nhắc đến nhiều nhất trên đất mỏ Quảng Ninh chính là Nông Văn Sơn - người thợ mỏ đã trở thành huyền thoại của Xí nghiệp Than Thành Công (Công ty Than Hòn Gai), từng sống sót sau 72 giờ bị chôn vùi dưới lòng đất.

Để có thể trở về từ địa phủ, anh Sơn phải hai lần uống nước tiểu và cố gắng đào bới tìm lối thoát. May mắn giành lại được sự sống từ cửa chết nhưng sức khỏe anh Sơn sau này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ tai nạn kinh hoàng đó.

Quá bất ổn với nghề nghiệp của chồng, người vợ muộn mằn của anh cũng rời bỏ anh ra đi. Lần này gặp lại Nông Văn Sơn trên đất mỏ, vẫn thấy anh sống với người mẹ già và đã dần nguội đi những khát khao hạnh phúc.

img
Thợ lò kiểm tra vì giá chống nóc hầm.

May mắn hơn anh Sơn là 7 công nhân của Xí nghiệp Than Khe Tam (Công ty Than Hạ Long) trong vụ sập hầm lò của Phân xưởng khai thác 7 khu vực Tây Khe Sim năm 2008. Chỉ sau 16 giờ bị mắc kẹt trong bùn đất ở mức +128, cách cửa lò trên 1.000m, họ đã được phát hiện trong sự nỗ lực của tất cả mọi người.

Ông Nguyễn Văn Bển - người nhiều tuổi nhất trong số các công nhân bị nạn - kể lại là thời điểm đó tất cả đều tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết. Người thì tìm cho mình một chỗ chắc chắn không sụt lở để ngồi chờ chết, người thì tìm cách khắc lại tên mình rồi cho vào túi áo để khi được tìm thấy dễ dàng nhận ra. Cũng có cậu mới chỉ hơn 20 tuổi thì nghêu ngao hát bài "Xuân này con không về".

Đang trong lúc tuyệt vọng, một người thợ nhiều kinh nghiệm đã đưa ra ý kiến là không thể chờ chết mà phải tự mình đào đất tìm đường ra. Nói xong, anh ta xung phong đào đầu tiên. Việc đào bới hoàn toàn bằng hai bàn tay trần. Những người khác ở đằng sau thì giúp vận chuyển đất đá.

Sau mấy tiếng cố gắng đào bới, cuối cùng nhóm thợ gặp nạn cũng nghe thấy tiếng của đội cứu hộ. Chính sự nỗ lực tìm đường thoát đã giúp họ sớm trở lại với mặt đất.

Mối đe dọa trên mặt đất

Không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm rình rập dưới hầm lò, người công nhân ngành than còn phải chịu sự tấn công của khói bụi ô nhiễm trong môi trường làm việc. Bước chân vào khuôn viên của Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin, nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy trên khu vực khai trường đầy bụi than và tiếng ồn đến đinh tai nhức óc, hàng chục con bồ câu trắng thản nhiên đi lại.

Ông Mai Văn Điềm - Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai - cho biết: "Công ty tuyển than chúng tôi từng nằm trong danh sách những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Nghị định 64 của Chính phủ. Công nhân từ khu vực sản xuất ra thì chỉ nhìn thấy hai con mắt trắng.

Trước tình hình sức khỏe của công nhân bị ảnh hưởng nặng nề, năm 2003 - 2005, công ty đã đầu tư 7 tỷ đồng vào dự án xử lý ô nhiễm bụi và ngập úng nhưng kết quả vẫn không ăn thua. Chỉ đến khi công ty tiến hành xây tường cao, rửa đường thường xuyên, trồng nhiều cây xanh, bao bọc kín các hệ thống băng truyền, phun sương ở các khu vực… thì năm 2008 mới thoát được ra khỏi "danh sách đen". Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư đưa vào sử dụng các thiết bị vận tải đạt tiêu chuẩn Euro2 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường".

Sau khi tích cực cải thiện môi trường, Công ty Tuyển than Hòn Gai nảy ra ý tưởng độc đáo là mua chim bồ câu về nuôi giữa khu vực sản xuất được cho là bụi bặm, ồn ào nhất. Bà Cao Thị Tuyết - Trưởng phòng Công nghệ và Môi trường - vui vẻ cho biết: "Cũng có nhiều phương án đưa ra nhưng tôi nghĩ việc nuôi chim bồ câu là độc đáo và hiệu quả nhất.

Đây vừa là loài chim ưa môi trường sạch sẽ, cũng là biểu tượng của hòa bình. Thời gian đầu nuôi mấy đôi nhưng chúng liên tục bị chết và bay đi mất. Cho đến khi đôi chim đầu tiên ở lại sống sót và sinh sản thì số lượng chim bồ câu nhanh chóng tăng lên. Đến nay, toàn công ty có đến hàng trăm con chim bồ câu, "thiệt hại" đến 6 tấn thóc/năm. Nhưng cũng nhờ "biểu tượng hòa bình" này mà công nhân tuyển than yên tâm hơn với môi trường làm việc của mình, có được những giờ phút thanh nhàn, bình yên sau mỗi ca làm việc căng thẳng và vất vả".

Giờ đây nhắc đến ngành khai thác than và khoáng sản, cả thế giới đều không ngớt hân hoan về cuộc giải cứu huyền thoại 33 thợ mỏ Chile ở độ sâu gần 700m trong hầm khai thác San Jose sau 69 ngày mắc kẹt. Theo dõi những thông tin từ báo chí, những người thợ mỏ Việt Nam càng khát khao hơn một môi trường làm việc an toàn và những thiết bị hiện đại góp phần bảo vệ sự sống của họ nhiều hơn những gì đang có.

Ở các công ty tuyển than thì nước được quý như vàng. Nước là sự sống còn của công nhân và của cả hệ thống. Vì vậy mà toàn bộ nước thải của công ty, kể cả nước tắm rửa của công nhân, đều được tận thu để tái sử dụng phục vụ nhà máy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem