Thành phố trong lòng đất

Thứ ba, ngày 07/12/2010 18:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đi sâu vào lòng đất, chúng tôi bắt gặp những ngã ba đường lò có gắn biển tên đường như đường phố ở các đô thị. Chỉ có điều những cái tên được viết trên đó không phải là của các danh nhân.
Bình luận 0

Bão "địa phủ"

img
Những ngã ba đường lò với biển tên đường như đường trong thành phố.

Sau khi cánh cửa sắt lớn được kéo kín lại, chúng tôi không còn bị xô đẩy trước sức mạnh của luồng gió nhưng vẫn cảm nhận được từng luồng không khí mới trong lành đang cuồn cuộn đổ vào đường hầm. Hít một hơi dài căng lồng ngực, tôi thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Phía bên trái của đường hầm là một khu vực đã được rào giậu cẩn thận bằng những tấm lưới sắt và ồn như tiếng cánh quạt của máy bay trực thăng. Anh Lâm Hồng Quang cho chúng tôi biết: "Công ty áp dụng hệ thống hút gió. Chúng tôi dùng quạt ở vị trí cao để đưa không khí vào. Nếu hệ thống thông gió gặp sự cố thì sau 15 phút, công nhân phải rút ra ngoài, nếu không sẽ chết ngạt".

Tiếp tục đi sâu vào trong, chúng tôi bắt đầu gặp ngã ba đường lò đầu tiên. Ở ngã ba này cũng có gắn biển tên đường như đường phố ở các đô thị. Chỉ có điều những cái tên được viết trên đó không phải là tên của một danh nhân hay một địa danh lịch sử mà là những "lò xuyên vỉa", những "rãnh gió" với các mức như +138 hay +105.

Anh Quang bảo, nhìn vào những tấm biển này người ta sẽ biết đường hầm đó sẽ dẫn đến đâu. Cần tìm một ví trí nào trong hầm lò, người ta cũng có thể tìm trên bản đồ nhờ những tấm biển tên như thế. Gần đó chúng tôi còn thấy một tấm biển viết 5 nguyên tắc hành động tự chủ an toàn, trong đó nguyên tắc "mình tự bảo vệ mình" được đưa lên hàng đầu.

Càng đi sâu vào trong, tốc độ gió càng giảm dần. Được chừng hơn một cây số thì tôi thấy không khí bắt đầu nóng hơn. Anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa mới kêu lạnh ở cửa gió thì giờ đã mồ hôi mướt mải. Thế nhưng người dẫn đường bảo, "thế giới dưới lòng đất" này không có cả mùa hè lẫn mùa đông. Nhiệt độ ở đây luôn được duy trì ở mức từ 20 - 22oC.

Ở những nơi sản xuất thì nóng hơn nhưng cũng chỉ đến 26 - 270C. Do chúng tôi đã vào gần đến khu vực khai thác nên không khí có nóng hơn một chút so với khu vực gần cửa gió. Càng ngày, đường hầm càng hẹp lại và thấp xuống. Chúng tôi không còn đứng thẳng người được như trước mà phải đi lom khom, nhiều đoạn thậm chí phải bò vì đường dốc và bó hẹp như hang chuột.

Luôn đối mặt với hiểm nguy

Người đầu tiên chúng tôi gặp ở khu vực khai thác là thợ lò Nguyễn Văn Lượng của Phân xưởng khai thác 7. Lượng đang kiểm tra lại những vì giá chống than để cho công nhân ca 3 chuẩn bị vào làm. Nhìn anh chàng thợ mỏ trẻ măng mà đã có thâm niên 6 năm làm việc trong lòng đất này, chúng tôi vô cùng khâm phục.

Cũng làm công việc như Lượng đang làm bây giờ, 4 công nhân của Xí nghiệp than Thành Công, Công ty than Hòn Gai đã tử nạn vì sự cố bục túi nước ở độ sâu khoảng -40m so với mực nước biển, tại điểm gần đầu lò thượng khai thác than -65/-35. Công việc của người thợ mỏ luôn luôn cận kề với hiểm nguy mà không phải bất cứ ai cũng có thể dấn thân. Chẳng thế mà trước khi xuống hầm lò, bắt đầu ca làm việc của mình, các thợ mỏ luôn hô to hai tiếng "quyết tâm" như người lính xung trận.

Mải lan man suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng có mặt ở mức -100m so với mặt nước biển. Đường hầm này dẫn tới vị trí khai thác sâu nhất là -175m nhưng vì lý do an toàn nên chúng tôi bắt buộc phải dừng lại ở đây. Dừng chân ở một nhóm thợ đang khai thác, anh Lâm Hồng Quang chỉ cho chúng tôi xem những giá thủy lực chắc chắn đang nâng đỡ vòm hầm.

Anh Quang cho biết: "Trước đây, khi mới đi vào hoạt động, công ty chúng tôi dùng những cột chống bằng gỗ để đỡ nóc hầm. Phương pháp này mất rất nhiều công sức và nguy hiểm. Từ năm 2009, công ty cho thay bằng giá thủy lực di động tạo liên kết mảng với chiều cao nhất 2,4m, thấp nhất 1,6m nên thông gió tốt hơn, an toàn hơn. Thêm vào đó nhờ hệ thống này mà chúng tôi cũng thu được 80 - 90% độ dày vỉa".

Khi chúng tôi đang chui trở lên theo đường cũ thì bỗng nghe 2 hồi còi dài và tiếng hô: "Dừng lại, nổ mìn". Những tiếng bục bục vang lên với mùi khí metal lẫn bụi than bay mù mịt. Sau 3 hồi còi ngắn, dù biết đã an toàn, nhưng tôi vẫn lạnh hết sống lưng.

Tiếng nổ làm tôi nhớ đến những vụ tai nạn hầm lò mà mình đã từng theo dõi. Chiếc song loan rậm rịch đưa chúng tôi trở về vị trí xuất phát ban đầu. Leo lên cửa lò, nhìn bầu trời chiều đang dần về tối, tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Giờ thì tôi đã hiểu những nụ cười đen nhẻm bụi than của những người thợ lò biết mình đã hoàn thành 1 ngày làm việc an toàn sau 8 tiếng nhọc nhằn trong lòng đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem