Nay quy định đã bị bãi bỏ, thì cơ quan quản lý chỉ có cách phải mạnh tay xử lý những nghệ sĩ vi phạm mới có thể giảm “sốc, sex, phản cảm”, thi chui, chứ không dừng ở việc “giơ cao đánh khẽ” như thời gian qua.
Ngày 3.4, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên xác nhận thông tin Bộ VHTTDL đã bãi bỏ Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ ở Việt Nam. Lý do: Trong Nghị định 15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua ngày 15.3.2016 không đề cập đến nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ.
Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã nhiều lần muốn ban hành quy định bắt buộc các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ở Việt Nam phải có thẻ hành nghề mới được biểu diễn. Mới đây nhất là vào 16.1.2016, để ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm khi biểu diễn, nhiều người đẹp bất chấp các quy định để thi hoa hậu “chui”, Bộ VHTTDL đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về vấn đề này. Trong dự thảo có quy định người có thẻ hành nghề mới được tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và được nhận thù lao bằng tiền hoặc các quyền lợi vật chất khác. Đồng thời, các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu hát nhép, mặc đồ, hóa trang hoặc có hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam bị “treo” thẻ từ 1 - 3 tháng.
Tuy vậy, khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo đã gặp phải những tranh luận trái chiều của những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt là hành lang pháp lý cho quy định cấp thẻ hành nghề chưa được thông suốt. Trong Nghị định 79 không đề cập đến vấn đề thẻ hành nghề. Nếu có trường hợp vi phạm, sẽ rất lúng túng trong việc xử lý, giống như vụ ra văn bản cấm diễn nhầm với hoa hậu Diễm Hương hay vụ cơ quan quản lý thua kiện Cty Rồng Việt vào năm 2014, khi nhà quản lý văn hóa quyết tâm xử lý, nhưng luật lại chưa quy định về những trường hợp này.
Trước những băn khoăn này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tạm hoãn quy định cấp thẻ hành nghề để chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ, để thống nhất về mặt cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, quy định mới nhất liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã không có nội dung cấp thẻ hành nghề, đồng nghĩa với việc luật chưa được thông, nên quy định cấp thẻ hành nghề tiếp tục bị bãi bỏ.
Thẻ hành nghề có “quản” được nghệ sĩ?
Năm 1999, việc cấp thẻ hành nghề đã từng được thực hiện. Với đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, hàng nghìn thẻ hành nghề được cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng chỉ 3 năm sau, Nghị định 59/2002 đã bãi bỏ giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật (cấp cho nghệ sĩ), thế nên thẻ hành nghề đã không còn hiện diện, dù cho hàng ngàn nghệ sĩ khi ấy kêu than đã bỏ ra một số kinh phí lớn để thi lấy thẻ.
Những năm trở lại đây, nhiều lần Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất nên khôi phục lại việc cấp thẻ, để siết chặt hơn công tác quản lý hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, các nghệ sĩ gạo cội, những người đã được vinh danh không chấp nhận việc phải đi tập huấn, rồi biểu diễn cho một hội đồng thẩm định như kiểu thí sinh đi thi.
NSND Trần Hiếu rất bức xúc khi nói về câu chuyện cấp thẻ hành nghề và ông cho rằng việc làm này chỉ phù hợp cho một lớp nghệ sĩ mới, những người không thuộc đoàn thể nào, còn những người đã được Nhà nước vinh danh như ông thì không cần cấp thẻ. Ca sĩ Ánh Tuyết cũng nghi ngại: “Giờ đây cái gì cũng “mua” được hết, chứng chỉ hành nghề liệu có phải là một thước đo không? Liệu các cơ quan chức năng có đảm bảo nó hoàn toàn không có tiêu cực?”.
Một thực tế khác, rất nhiều nghệ sĩ hiện nay không chỉ biểu diễn một lĩnh vực, mà cùng lúc tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thì việc tổ chức cấp phép, quản lý như thế nào? Nếu cá nhân vi phạm tại một lĩnh vực biểu diễn này thì có bị cấm biểu diễn ở các lĩnh vực khác hay không?
Việc cấp thẻ hành nghề có thể là công cụ để “thanh lọc” những nghệ sĩ không đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, nhưng đây mới chỉ là cách quản lý “phần ngọn” chứ chưa tiệm cận được “phần gốc” của vấn đề. Nay quy định đã bị bãi bỏ, thì cơ quan quản lý chỉ có cách phải mạnh tay xử lý những nghệ sĩ vi phạm mới có thể giảm “sốc, sex, trang phục biểu diễn phản cảm”, không “giơ cao đánh khẽ” như thời gian qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.