Nỗi đau đè nỗi đau
Tềnh toàng, căn nhà cấp 4 của gia đình anh Phạm Văn Kha (sinh năm 1975, ở thôn Xuân Úc, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chẳng có gì đáng giá. Anh Kha buồn rầu nói: “Chị tính, 2 đứa con chẳng ra người, đứa lớn 5 tuổi bị u máu ở ngực, đứa nhỏ 2 tuổi bị động kinh co giật, suy tim rồi hở hàm ếch, vợ chồng tôi cũng chỉ biết nhìn nhau mà gạt nước mắt. Năm ngoái, định mổ hàm ếch cho cháu bé nhưng vì cháu suy tim nên không mổ được. Hàng ngày, có đồng nào là đổ vào chữa bệnh cho chúng, còn đâu tiền mà sắm sửa cho nhà cửa. Khi biết các cháu bị nhiễm chất độc da cam di chứng từ ông ngoại, vợ chồng tôi buồn lắm. Thương vợ con, tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng làm ăn mà nuôi con rồi tìm cách chữa trị cho con phần nào hay phần đấy, biết làm sao bây giờ”.
Chị Tiến, mẹ cháu Nguyễn Hoàng An mong con mình được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3.
May mắn hơn gia đình anh Khá, nhà anh Nguyễn Văn Du ở cùng thôn chỉ có một cháu bị nhiễm chất độc da cam di chứng từ ông nội. Nhưng vợ chồng anh Du làm công nhân giày da bữa làm bữa nghỉ, cũng chẳng đủ tiền, phải vay mượn tứ tung để chữa bệnh cho con. Chị Nguyễn Thị Tiến, 32 tuổi, vợ anh Du, rơm rớm nước mắt: Cháu Nguyễn Hoàng An giờ học lớp 3 mà chỉ còi bằng học sinh lớp 1. Từ khi sinh ra, cháu đã bị đa dị tật, mắt cứ lồi phồng ra, mặt đầy cục thịt thừa, mũi vẹo, sứt môi, nói ngọng. Cháu vừa được phẫu thuật hàm ếch năm ngoái. Từ bé tới giờ, cháu đã mổ môi 2 lần, mổ mắt 3 lần, cắt thịt thừa 1 lần và 14 lần đi Viện Mắt Hà Nội. Biết mình bị dị tật, cháu lúc nào cũng thui thủi một mình không dám chơi với các bạn. Nhiều lúc thương con chảy nước mắt...
Đợi đến bao giờ?Ông Hoàng Văn Lị - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP. Hải Phòng cho biết: Tại Hải Phòng, Hội vừa tiến hành khảo sát về thế hệ thứ 3 tại 4 quận, huyện với phạm vi là 30 xã, phường. Đối tượng khảo sát là cháu nội, cháu ngoại của những người tham gia kháng chiến bị hậu quả chất độc hóa học. Bằng phương pháp thống kê chứng thực, tức là nếu ông hay bà hoặc cả hai đã được cấp có thẩm quyền xác nhận bị phơi nhiễm chất độc da cam mà cháu nội, ngoại của họ bị dị tật bẩm sinh thì sẽ được coi là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3. Qua khảo sát, đã có 154 cháu được xác định bị nhiễm loại chất độc này.
Tại Hải Phòng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin thành phố vừa tiến hành khảo sát về thế hệ thứ 3 tại 4 quận, huyện với phạm vi là 30 xã, phường. Kết quả, đã có 154 cháu được xác định bị nhiễm loại chất độc này.
|
“Các cháu ốm đau thường xuyên, kinh tế gia đình rất khó khăn, thiếu lao động vì phải có người trông nom các cháu. Khó khăn là vậy nhưng các cháu chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào. Lý do đơn giản là ngay cả thế hệ ông bà, cha mẹ các cháu bị nhiễm chất độc da cam cũng chưa được hưởng chế độ, bởi hiện Hải Phòng có 17.000 nạn nhân chất độc da cam thì mới có 7.000 người được hưởng chế độ. Qua đợt khảo sát lần đầu này, Hội mong Nhà nước sớm có chính sách cho thế hệ thứ 3 và có những biện pháp chăm sóc phù hợp với các cháu” - ông Lị cho biết.
Ông Đỗ Văn Hoàn ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có cháu nội đang học lớp 7 bị phồng mắt. Ông Đoàn cho biết: Cháu ra đời, 1 mắt cứ nhắm nghiền không mở được. Đi viện thì bác sĩ trả lời là mắt cháu không có con ngươi, rồi mắt cứ phồng lên. Chúng tôi đã đưa cháu đi nhiều viện, lên cả Viện 108, Viện Mắt Trung ương rồi Bệnh viện Bạch Mai nhưng họ đều không chữa được. Chúng tôi chỉ mong cháu có tí chế độ để thêm vào cho cháu ăn học.
Chị Nguyễn Thị Tiến thở dài: Ông cháu bị nhiễm chất độc da cam đến nay ngoài 70 tuổi vẫn chưa được hưởng chế độ, còn cháu nhà em mới được Hội khảo sát nhưng cũng chưa biết bao giờ, chắc phải đợi…
Bùi Hương (Bùi Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.