Đóng cửa phiên giao dịch 21/4, VN-Index giảm 14,51 điểm (1,05%) còn 1.370,21 điểm, HNX-Index giảm 13,43 điểm (3,53%) xuống 366,61 điểm, UPCoM-Index giảm 1,51 điểm (1,42%) về 104,89 điểm.
VN-Index giảm 14,51 điểm (1,05%) còn 1.370,21 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 18.000 tỷ đồng.
Hôm nay số mã giảm tiếp tục áp đảo với 527 mã giảm cùng 189 mã giảm sàn. Trong khi đó chỉ có 225 mã tăng điểm.
Tại nhóm vốn hóa lớn, VHM hôm nay giảm sâu 4,2% qua đó tác động tiêu cực nhất đến VN-Index với hơn 3 điểm giảm; bên cạnh là sắc đỏ của GVR, VIC, BCM, GAS, VJC, NVL, DIG... càng khiến thị trường khó có thể hồi phục.
Tâm lý tiêu cực khiến nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ dòng bất động sản, xây dựng, dầu khí, thủy sản... hôm nay đồng loạt giảm sàn "trắng bên mua" dưới áp lực "xả hàng" mạnh. Một vài cổ phiếu ngành chứng khoán như PSI, HBS, WSS, VIG,.. cũng có thêm một phiên giảm hết biên độ.
Tại nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Louis, FLC, DNP,..., đa số các mã đều giảm sàn trắng bên mua.
Ở chiều ngược lại, chỉ một vài mã ngân hàng như BID, TCB, MBB, CTG, VPB, VIB hay chứng khoán như VND, SSI giữ được sắc xanh tăng điểm giúp thị trường phần nào bớt đi sự ảm đạm.
Tâm lý thị trường trong ngắn hạn vẫn còn khá tiêu cực.
Trong phần lớn thời gian giao dịch, cổ phiếu lớn trong rổ VN30 giao dịch với vai trò trụ đỡ, tuy nhiên sức ép bán ra trong phiên đáo hạn phái sinh tiếp tục khiến chỉ số chùn bước, quay đầu giảm gần 9 điểm. VN-Index theo đó cũng giảm tiếp hơn 14,5 điểm. Tính từ vùng đỉnh lịch sử tại mốc 1.532 điểm thì chỉ số chính sàn HOSE đã giảm tới hơn 160 điểm, tương đương bốc hơi 10,4%.
Có thể thấy đây cũng là phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp của VN-Index, với hơn 100 điểm đã bị “bốc hơi.” Điểm chung tại hầu hết các phiên giao dịch này là nhiều cổ phiếu bất ngờ có sự lao dốc, nằm sàn vào thời điểm sau 14 giờ, ngay trước phiên ATC. Thậm chí, có phiên VN-Index tăng gần 10 điểm trong buổi sáng, nhưng vẫn quay đầu giảm mạnh hơn 20 điểm vào buổi chiều.
Việc thị trường giảm mạnh trong một khung giờ nhất định khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi có hay không việc thị trường đang bị chi phối bởi một nhóm nhà tạo lập muốn kéo giá để trục lợi?
Theo lý giải của một số chuyên gia, đó thường là do tình trạng call margin (lệnh dừng ký quỹ) hoặc Force-sell (bán giải chấp cổ phiếu) ở nhiều nhóm cổ phiếu. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư đã có lượng vay Margin khá cao, rơi vào trạng thái cảnh báo bán của các công ty chứng khoán.
Từ tháng 11-12/2021 và đầu năm nay, nhóm cổ phiếu midcap (cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô vừa phải, có vốn hóa ở mức trung bình từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng) và smallcap (các công ty có giá trị vốn hóa thị trường thấp) tăng trưởng rất nóng và các cổ phiếu này hút lượng margin rất cao trên thị trường. Do đó, với những cú giảm điểm kéo dài, thanh khoản lại thấp thì việc call margin ở nhóm cổ phiếu này sẽ không bán được.
Các công ty chứng khoán có thể sẽ mang các cổ phiếu vốn hóa lớn mang ra bán, dẫn đến các cổ phiếu blue-chip cũng bị ảnh hưởng giảm sâu theo trong đợt này.
Cũng có ý kiến cho rằng việc bán tháo cổ phiếu vào cuối phiên trong những ngày gần đây là hành động có chủ đích của các nhà đầu tư cá mập/bigboys đang trục lợi trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng với tâm lý thị trường trong ngắn hạn vẫn còn khá tiêu cực, việc “bắt đáy” cổ phiếu ở thời điểm hiện tại vẫn là tương đối rủi ro.
Nhà đầu tư nên cân nhắc tạm thời đứng ngoài thị trường và quan sát diễn biến giao dịch trong một vài phiên tới, chủ yếu là để chờ đợi thị trường chung ổn định trở lại cũng như để các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn của cổ phiếu trở nên chắc chắn hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.