Thế nào là... “về cơ bản, kỳ thi diễn ra nghiêm túc”?

Thứ tư, ngày 13/06/2012 19:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu như theo nhận định “kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế” của Bộ Giáo dục – Đào tạo, thì vụ ném phao thi ở Bắc Giang là của một... nước khác, không phải xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Việt Nam.
Bình luận 0

Tối 11.6, Bộ Giáo dục – Đào tạo phát đi thông báo tiếp tục khẳng định: "Về cơ bản, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế", sau khi nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 diễn ra lộn xộn, tiêu cực, mà điển hình là tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang).

img

Các đoạn video clip của các “thám tử” bất đắc dĩ quay được về gian lận thi cử hình như không liên quan gì đến kỳ thi. Nếu như theo nhận định “kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế” của Bộ Giáo dục – Đào tạo, thì vụ ném phao thi ở Bắc Giang là của một... nước khác, không phải xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Việt Nam. Bởi vì với vụ việc tai tiếng như vậy, không ai có đủ can đảm để tự khen mình như Bộ Giáo dục – Đào tạo đã làm.

Bộ Giáo dục – Đào tạo đã làm cho lòng tự trọng của nhiều người bị tổn thương, vì giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng giáo dục là sự nghiệp chung của cả đất nước. Không ai có quyền dạy dỗ con cái chúng ta sự không trung thực.

Nói thẳng băng ra, vụ gian lận thi cử ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô bị phát hiện là do bị quay video clip, còn có rất nhiều “Đồi Ngô” khác nhưng không có người quay hình để tung lên mạng cho thiên hạ biết mà thôi.

Chuyện phao thi “rụng trắng sân trường em”, hàng vạn học sinh biết, phụ huynh biết, cả xã hội biết. Cho nên Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định kỳ thi diễn ra nghiêm túc là một đánh giá không nghiêm túc. Hơn ai hết, chính các em học sinh sẽ nhận định rằng Bộ Giáo dục – Đào tạo đã không trung thực.

Hãy dạy các em lòng trung thực trước khi dạy chữ nghĩa. Dạy các em lòng trung thực không chỉ bằng các bài học giáo dục công dân, mà bằng chính những việc làm cụ thể. Việc đánh giá kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một điển hình của sự cụ thể.

Bộ Giáo dục – Đào tạo kêu gọi chống bệnh thành tích, nhưng nhiều người đã thấy bệnh thành tích của Bộ lại rất nghiêm trọng. Tự khen mình dù rất xứng đáng đã không hay, tự khen mình khi không xứng đáng càng không hay hơn.

Thêm một điều cũng cần phải bàn, Bộ Giáo dục – Đào tạo dạy chữ cho mọi người, tưởng cũng nên sử dụng từ ngữ cho chuẩn xác, rõ ràng, có ý nghĩa. Bộ không nên báo cáo thành tích theo lối sáo rỗng, vô nghĩa như “Về cơ bản, kỳ thi diễn ra nghiêm túc…”.

Về cơ bản là thế nào? Các loại mơ hồ từ như “về cơ bản”, “từng bước được cải thiện”, “nhìn chung…” nên bỏ khỏi các văn bản báo cáo để người đọc hiểu đúng sự thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem