Biết rồi, nói mãi vẫn… chưa làm
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA, chia sẻ: “Tất cả những người làm thể thao đều biết phải đẩy mạnh thể thao phong trào, trường học. Nhưng muốn làm được điều đó, ngành thể thao phải có chiến lược, chủ trương, định hướng rõ ràng đề xuất Chính phủ phê duyệt”.
|
Thể thao trường học ở Việt Nam còn quá kém nếu so với các nước trong khu vực mà gần nhất là Thái Lan. Ảnh: Đàm Duy |
Chia sẻ với ý kiến của ông Thanh, ông Nguyễn Hồng Minh-nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, bày tỏ: “Chúng ta cần một giải pháp đồng bộ, trước mắt là sự phối hợp tích cực, bài bản giữa Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Bộ Giáo dục – Đào tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học. Nhưng tôi thấy Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa thực quan tâm tới việc này. Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch muốn làm nhưng lại không có đủ nguồn lực, cơ sở vật chất… để thực hiện”.
Hiện ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đang là người xây dựng “Chương trình hành động” hướng tới ASIAD 2019. Chương trình này sẽ được báo cáo Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vào tháng 2.2013. Đây mới là bản báo cáo sơ lược về lực lượng, định hướng đào tạo, còn cách thức thực hiện vẫn sẽ phải chờ quyết định của Bộ.
Theo ông Minh, điều đáng lo là “tiếng nói” của Tổng cục TDTT đối với các địa phương ngày càng nhỏ. Ngân sách làm thể thao ở mỗi địa phương cụ thể do địa phương đó cấp, và họ có thể đầu tư ít hoặc nhiều tùy theo nhận thức về tầm quan trọng của việc này. Tổng cục TDTT có thể nhìn thấy chương trình đào tạo của các địa phương thiếu định hướng nhưng cũng chẳng làm gì được.
Nhân rộng mô hình học viện bóng đá
Điều dễ nhận thấy là trong thời gian qua, ngành thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã xây dựng không ít đề án, chiến lược phát triển. Nhưng khi đi vào thực hiện lại mắc do không có được sự “đồng bộ” từ trong nhận thức tới cách làm của các cấp, các địa phương.
|
Cựu danh thủ Hữu Đang (phải) đang miệt mài "mài ngọc" ở lứa U11 PVF |
“Về bóng đá, tôi biết VFF đã có “Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 và Tầm nhìn đến 2030” do anh Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF soạn thảo. Nhưng đến giờ, chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được đến nơi đến chốn”, ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết.
Trong khuôn khổ môn thể thao vua, muốn vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, bản thân các CLB phải tự thân vận động: “Ở SLNA, chúng tôi đã triển khai ký hợp đồng với một số huyện có phong trào bóng đá phát triển. Các HLV nghiệp dư ở cấp huyện cũng nhận được chế độ đãi ngộ để họ làm việc, phát hiện những em có năng khiếu trong độ tuổi 9-11. Những em này sẽ được tập trung lại và chúng tôi sẽ cử người xuống kiểm tra, chọn lấy những nhân tố xuất sắc nhất về đào tạo ở các lớp U của SLNA”, ông Thanh bộc bạch.
Bên cạnh “cái nôi” có truyền thống đào tạo bóng đá trẻ như SLNA, Đồng Tháp.., các mô hình như Học viện HAGL Arsenal JMG, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Trung tâm đào tạo trẻ Viettel đang ngày càng khẳng định được tính ưu việt, nhận được niềm tin từ các bậc phụ huynh.
Nơi đây, các trẻ em đam mê bóng đá trên cả nước được sàng lọc, tuyển chọn vào từ năm 9 tuổi để đào tạo dưới sự dẫn dắt của những chuyên gia tới từ CLB danh tiếng Arsenal (HAGL Arsenal JMG); các cựu danh thủ Thể Công và đội tuyển quốc gia: Hồng Sơn, Hải Biên, Minh Tiến, Đức Thắng, Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương… (Viettel); Minh Chiến, Nguyên Chương, Mạnh Cường, Hứa Hiền Vinh, Hữu Đang, Ngọc Thọ (PVF).
PVF đóng đại bản doanh tại Trung tâm thể thao Thành Long (TP.HCM). HLV là những cựu danh thủ: Minh Chiến (U15), Nguyên Chương (U14), Mạnh Cường (U13), Hứa Hiển Vinh (U12), Hữu Đang (U11), Ngọc Thọ (U9-10). Thành tích gần đây nhất là vào tháng 7.2012, U13 PVF vô địch toàn quốc. Một tháng sau, đến lượt U15 PVF đăng quang giải vô địch U15 quốc gia.
Trăn trở với công tác đào tạo trẻ, cựu danh thủ Hữu Đang đã chuyển cả gia đình mình từ Nha Trang vào TP.HCM thuê nhà để ngày ngày “mài ngọc” ở lớp U11 PVF với 35 học viên.
Hữu Đang cho hay: “Hàng năm chúng tôi đều có đợt đi tuyển trong cả nước, lấy vào những em 9 tuổi để đào tạo tới năm 21 tuổi sẽ chuyển nhượng. Khi được chọn vào, các em có chế độ 500 nghìn đồng/người/tháng, có chế độ dinh dưỡng khoa học. Buổi sáng hàng ngày, các em được học văn hóa, và chiều tập bóng đá. Mỗi năm, chúng tôi sẽ kiểm tra sàng lọc 1 lần về các yếu tố chuyên môn, chỉ số sinh hóa… Tùy theo từng lứa, có thể bớt loại 1-2 em hoặc nhiều hơn”. Bản thân các HLV như Hữu Đang vào buổi sáng cũng phải tới phòng làm việc để lên giáo án, chương trình tập luyện…
Theo Hữu Đang, mô hình như PVF đang làm là rất chuẩn, các HLV như anh cũng có chế độ lương bổng tốt để yên tâm làm việc. Và nếu bóng đá Việt Nam có thể nhân rộng những mô hình như HAGL-Arsenal JMG, Viettel, PVF thì trong tương lai không xa, có thể cho ra “lò” một lứa cầu thủ đủ tài, đủ đức, đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà.
Ông Nguyễn Hồng Thanh: “VFF đã nhận được 500 nghìn USD (khoảng hơn 10 tỷ đồng) của FIFA để đào tạo lứa U15. Nhưng thực hiện như thế nào ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thì cần nghiên cứu kỹ, tránh lãng phí. Tôi thấy Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay có cơ sở vật chất khá tốt, nhưng sân lại dùng để cho thuê và đây không phải mục đích chính. Nên chăng, cùng với các CLB, hàng năm VFF cần tập trung các đội tuyển U tại đây để phát triển”.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.