Thể thao VN: Phung phí cơ sở hạ tầng

Thứ năm, ngày 27/12/2012 10:14 AM (GMT+7)
Dân Việt - Việc cơ sở hạ tầng vốn đã thiếu thốn lại bị sử dụng sai mục đích đã khiến quá trình xã hội hóa của thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức…
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Lê Bằng, Tổng thư ký VFF cho biết: “Ở các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia, họ có rất nhiều sân bãi để phát triển thể thao phong trào, còn ở Việt Nam thì thiếu thốn quá”.

img
Người dân Bangkok có thể tự do vào bên trong sân phụ Rajamangala tập luyện thể thao. Ảnh: Đàm Duy

Giới phóng viên Việt Nam từng theo chân đội tuyển tại các kỳ AFF Cup tổ chức ở Thái Lan hay Malaysia đều… rất khổ mỗi khi đi tìm sân tập. Giới tài xế taxi ở Kuala Lumpur, Bangkok cứ “ù ù cạc cạc” khi nghe nói tới 1 sân nào đó. Thậm chí khi có địa chỉ rõ ràng rồi, họ vẫn chịu, đi lòng vòng, hỏi han mãi mới tới được nơi (?!).

img
Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình bị biến dạng với những hàng quán

Thực tế, không phải taxi ở Malaysia, Thái Lan kém hiểu biết từng con đường, góc phố so với taxi Hà Nội mà do ở nước bạn có quá nhiều sân bóng: “Ở AFF Cup 2012, các bạn đã thấy ngay cả 1 bệnh viện ở Bangkok cũng có sân tập bóng đàng hoàng. Trước đây, khi tôi dẫn đội tuyển nữ sang Thái Lan, ngay cả một trường học nhỏ của họ cũng có sân bóng đáp ứng được nhu cầu tập luyện”, ông Bằng nói thêm.

Ở Bangkok, không phải mất công đi tới những Trung tâm thể thao tập luyện tốn kém kinh phí, ngay trong các khu dân cư, cũng có các sân tập với đầy đủ dụng cụ tập, rèn luyện thể chất.

“Chúng tôi hướng dẫn con mình chơi thể thao như một trò giải trí. Ở trường học cũng vậy, chúng được chơi bóng đá, cầu mây, futsal... mà không hề có suy nghĩ sẽ trở thành một VĐV. Từ lớp trẻ em chơi thể thao phong trào như vậy, sẽ xuất hiện những tài năng có thể mang vinh quang về cho đất nước lúc nào không hay”, anh Kidsada Mavaew – một người dân Bangkok, bày tỏ.

Nhưng điều mà Thể thao Việt Nam cần học hỏi một cách thiết thực nhất từ Thái Lan chính là việc họ biết sử dụng hợp lý, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng của mình.

Ở Việt Nam, không ít công trình từng xây dựng phục vụ SEA Games 2003 và các sự kiện thể thao khác như Đại hội TDTT toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng, lại đang bị “đắp chiếu” hoặc sử dụng chưa đúng mục đích. Điển hình như Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đang bị "biến dạng" với các hoạt động liên doanh, liên kết, cho thuê để kinh doanh, dịch vụ như quán cafe, quán ẩm thực đêm, bãi đỗ xe ôtô, thậm chí là cả rạp xiếc…

Điều này khác hẳn với hình ảnh “Khu liên hợp thể thao” Rajamangala (Bangkok, Thái Lan) được biến thành… công viên. Chiều chiều, người dân Bangkok với đủ mọi thành phần, lứa tuổi đều có thể ra vào tự do tập luyện (đi bộ, chạy…) mà không mất phí.Từ chiều tới tối, các dàn đèn vẫn được bật sáng để phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân.

“Chúng tôi không thu 1 đồng nào từ người dân và du khách vào bên trong tham quan, chụp hình lưu niệm trong phòng truyền thống. Bạn có thấy cứ chiều chiều, hàng dài người đứng xếp hàng mua vé để có chỗ ngồi bán hàng: quần áo, giày dép, đồ ăn… ở vòng ngoài cùng Khu liên hợp thể thao không? Số tiền thu được ấy sẽ được dùng để đầu tư, sửa chữa và nâng cấp công trình thể thao”, anh Thanongchai - bảo vệ sân vận động Rajamangal cho hay.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục - đào tạo: “Trường học của ta hiện nay diện tích thiếu thốn. Ví dụ như Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được cho là trường có diện tích lớn nhất nước cũng chỉ có 150ha. Trong khi đó một trường Đại học bình thường ở Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng có diện tích trung bình từ 200 đến 1.000 ha. Cơ sở vật chất trường học hiện đại nên học sinh, sinh viên của họ mới có điều kiện tập luyện. Từ đó, mới phát hiện nhiều tài năng phục vụ cho thể thao thành tích cao”

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem