Thêm 1 trường công bố tổ chức kỳ thi riêng: Tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ thế nào?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 21/01/2023 09:28 AM (GMT+7)
Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng của các trường liên tiếp được công bố dự báo kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ nhiều căng thẳng.
Bình luận 0

Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Mới đây, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM công bố thông tin tuyển sinh năm 2023. Năm nay, trường tuyển 3.636 chỉ tiêu (chưa tính chỉ tiêu liên kết quốc tế do nước ngoài cấp bằng) vào các ngành đào tạo.

Có 5 phương thức xét tuyển năm nay đó là Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và của Trường áp dụng cho tất các các ngành, chương trình đào tạo; Tổng hợp - Kết hợp kết quả học tập và thành thích bậc THPT để xét tuyển; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do Đại học Ngân hàng TP.HCM tố chức để xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ THPT và phỏng vấn chỉ áp dụng cho Chương trình Đại học chính quy Quốc tế do Đại học đối tác cấp bằng.

Trong đó, phương thức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức gây chú ý. Theo đó, thí sinh được tham gia nhiều đợt thi đánh giá năng lực của Trường. Kết quả thi của các đợt thi trong năm chỉ được xét tuyển vào đúng năm tuyển sinh và đúng thời gian quy định nhận hồ sơ xét tuyển đại học theo phương thức này.

Thêm 1 trường công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng: Tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Dự kiến đợt 1 được tổ chức vào đầu tháng 4 tại TP.HCM. Đây là một phương thức xét tuyển mới của trường với chỉ tiêu dự kiến khoảng 10-15% ở mỗi ngành. Thí sinh thi gồm 6 môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh với hình thức trắc nghiệm. Thí sinh được lựa chọn đăng ký thi ba hay nhiều môn theo tổ hợp xét tuyển và được dự thi nhiều đợt. Nội dung các bài thi bám sát chương trình học cấp THPT, theo định hướng kiểm tra năng lực học đại học của thí sinh.

Xu hướng mở rộng các kỳ thi riêng

Trước đó, có 5 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng đã được công bố do Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc Gia TP.HCM; Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an tổ chức. 

Bài thi đánh giá Năng lực của Đại học Quốc gia Hà TP.HCM được xây dựng dựa trên cách tiếp cận với các bài thi năng lực nổi tiếng trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Bài thi chú trọng kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề.

Thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn Trắc nghiệm. 

Thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: Mỗi thí sinh sẽ được tham gia dự thi trực tuyến trên máy tính với 1 mã đề thi độc lập trong thời gian 195 phút. Đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội 2023 gồm có 3 phần (Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học) với 150 câu hỏi trắc nghiệm (lựa chọn đáp án) khách quan và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học – Ngôn ngữ và Khoa học tự nhiên.

Thi Đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội: Các môn thi gồm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an: Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng, kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THP để tổ chức xét tuyển sau 7 năm Bộ sử dụng hoàn toàn kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT.  

Cấu trúc đề thi đánh giá của Bộ Công an mang tính tổng hợp, đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh và có sự phân hoá cao, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức các môn THPT, tiếp cận với cách kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Đồng thời, bài thi đánh giá của Bộ Công an có thêm phần tự luận, phần đòi hỏi năng lực của thí sinh bên cạnh các nội dung đã được đánh giá ở phần thi trắc nghiệm. Đây chính là nền tảng vững chắc để thí sinh trúng tuyển có thể tự tin nắm bắt đầy đủ kiến thức khoa học tự nhiên, xã hội, nghiệp vụ ở bậc đại học tại các trường CAND.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia nhận định: "Sau hơn 10 năm ổn định 3 chung, từ năm 2015 đến nay có sự thay đổi. Xu hướng gần đây là đa dạng phương thức tuyển sinh đại học. Từ năm sau trở đi, các trường cũng sẽ tổ chức nhiều kỳ thi riêng hơn nữa nên cần có sự kiểm soát của Bộ để thực hiện một cách có hệ thống, dễ hiểu".

Theo ông Hiệp, các trường chỉ nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem