Thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng, Hà Nội có đỡ "bí"?

D.V Thứ ba, ngày 09/08/2016 10:32 AM (GMT+7)
Thành phố Hà Nội vừa đồng ý chủ trương cho một doanh nghiệp tài trợ hệ thống nhà vệ sinh, xe bồn, cây lọc nước và ghế đặt nơi công cộng.
Bình luận 0

UBND Hà Nội vừa ra thông báo truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo thành phố về việc một doanh nghiệp đề xuất tài trợ 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố.

img

Nhà vệ sinh bằng thép giá khoảng 1 tỷ đồng từng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: ĐL (VNE)

Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, đề xuất hoàn toàn phù hợp với chủ trương của thành phố về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển.

UBND thành phố yêu cầu các nhà vệ sinh công cộng phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, vận hành trong suốt quá trình hoạt động các nhà vệ sinh công cộng này.

Trong khi đó, báo Vietnamnet cho biết, thực chất là "Hà Nội đổi quảng cáo lấy hàng loạt nhà vệ sinh công cộng" này. Theo đó, Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing chính là doanh nghiệp đề xuất tài trợ đầu tư nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP. Ngược lại Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thòi gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.

Thực tế hiện nay, báo chí phản ánh rất nhiều về việc Hà Nội đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Nhà vệ sinh công cộng lại xuống cấp, xập xệ, bẩn thỉu, không ai muốn vào, trừ phi bất đắc dĩ, "nhịn" không nổi. Công ty Môi trường đô thị Hà Nội là đơn vị hiện được thành phố giao duy trì khoảng 170 nhà VSCC trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

“Trong số 170 nhà VSCC này hiện chỉ có khoảng 17 nhà VSCC ở mặt phố, số còn lại tập trung ở các ngõ ngách, khu tập thể đông dân cư. Phần lớn nhà VSCC này đã được xây dựng từ rất lâu, có nhà VSCC được xây trên 20 năm nay nên xuống cấp xập xệ”, một lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị cho biết.

Trả lời báo Tiền Phong mới đây, ông Nguyễn Nguyên Trà, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho biết, Sở đang quản lý 171 nhà VSCC xây bằng gạch và 40 nhà VSCC bằng thép. Số nhà VSCC này được Sở giao cho Công ty Môi trường đô thị duy trì hoạt động. Các nhà VSCC này duy trì từ 1 đến 2 ca/ngày, còn các trường hợp đặc biệt trong lễ duy trì được 3 ca/ngày nhưng thực tế rất thiếu so với nhu cầu thực tế. Dù thừa nhận đang thiếu trầm trọng hệ thống nhà VSCC nhưng đại diện Sở Xây dựng cho hay: “Việc xây dựng nhà VSCC còn tùy từng quận, căn cứ vào nhu cầu quận nào có nhu cầu nhiều thì họ chủ trương đầu tư xây bằng ngân sách hoặc bằng xã hội hóa”, vị cán bộ cho biết.

Cũng có thực tế, ngay các nhà VSCC đã xã hội hóa ở Hà Nội thì hoạt động vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Trao đổi trên báo chí, ông Đào Quang Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị, quận Hoàn Kiếm dẫn chứng: UBND quận Hoàn Kiếm đã có chủ trương xã hội hóa để đầu tư, cải tạo 7 nhà VSCC. Trong đó, đã hoàn thành 3 nhà VSCC trong khu phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm: số 5 và số 38 phố Hàng Giầy, số 50 phố Gia Ngư.

"Thực tế tại 3 địa điểm trên, nhà VSCC đang hoạt động khá cầm chừng. Tại địa chỉ số 5 Hàng Giầy, nhân viên trông coi tại đây cho biết, khách ở đây chủ yếu là người dân buôn bán ở chợ, mỗi ngày trung bình thu được khoảng 300.000 đồng (tương đương 100 lượt khách). “Khách du lịch nước ngoài thì hầu như không vào. Nhiều người cũng ngại việc trả phí”, nhân viên cho hay. Nhà VSCC số 50 Gia Ngư mới đang được chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào thử nghiệm", thông tin trên báo Tiền Phong cho biết.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 236 nhà xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt.

Cuối tháng 10/2013, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.

Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến 358 triệu đồng.

Sau khi có nhiều ý kiến không đồng tình về kế hoạch này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng dừng việc chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trị giá 15 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem